HẠN CHẾ VẬN ĐỘNG TRONG THAI KỲ

Hạn chế vận động hay nằm nghỉ tại giường từng được hướng dẫn cho thai phụ như là một biện pháp điều trị, nhất là những trường hợp dọa sẩy thai, dọa sinh non, tăng huyết áp, nhau tiền đạo, đa thai v.v… Tuy nhiên, có một sự thật là việc bất động, nằm tại chỗ không những không cải thiện kết cục của các trường hợp kể trên mà ngược lại có khi gây hại thêm.
 
Nói “nằm một chỗ” nghĩa là cứ nằm đó, ăn cũng nằm, thậm chí vệ sinh cá nhân cũng nằm luôn. Còn hạn chế vận động nghĩa là ngoài sinh hoạt cơ bản, ăn uống tắm rửa thì cũng nằm yên đó. Hoặc mơ hồ hơn là đi ít lại và đi nhẹ nhàng (dù không hề có con số đi mấy bước là ít, mấy bước là nhiều; bao nhiêu bước chân trong một phút là chậm, hay lực tác động lên mặt đất như thế nào là nhẹ - khoa học mà, cần rõ ràng vậy). Nên khi bệnh nhân hỏi “em có cần đi ít lại không?”, mình rất băn khoăn vì không biết nhắc chị đi bao nhiêu bước mỗi ngày.
 
❓Hạn chế vận động có thể gặp những nguy cơ nào?
- Teo cơ và loãng xương: nằm lâu có thể là cơ bắp lỏng lẻo, hoặc xương xóc yếu đi, không biết khi nào mới hồi phục khi vận động trở lại. Thêm chế độ bồi dưỡng một người ăn cho 2-3 người thì cơ và xương không thấy đâu, chỉ toàn mỡ là mỡ.
- Máu đông: những cục máu đông làm tắc mạch sâu, đau nhức khó chịu, hay nặng hơn, nguy hiểm hơn là tắc mạch phổi.
- Đái tháo đường thai kỳ: những mẹ bầu nằm yên một chỗ dễ bị đái tháo đường hơn những mẹ vận động khỏe mạnh. Thêm nữa là nằm một chỗ thèm chè thèm bánh liên tục thôi.
- Căng thẳng, lo âu: nằm một chỗ thì suy nghĩ, nghĩ chán rồi xem ti vi, điện thoại liên tục. Mà thông tin mạng xã hội thì đầy rẫy tin xấu, tiêu cực, tinh thần lại càng xuống dốc. Nếu không may đang gặp trục trặc gì trong thai kỳ, đọc một hồi thấy đời mình đầy bi kịch và điều xấu xa, cuộc đời này đầy rẫy nhưng điêu ngoa và dối trá. Chưa kể nằm hoài đêm mất ngủ, lại càng stress hơn.

⁉️Ít ra nằm một chỗ phải có lợi gì chứ?
Tiếc là không, hiện tại chưa thấy hạn chế vận động hay nằm yên tại chỗ giúp ích được cho trường hợp nào, kể cả ở bệnh viện hay ở nhà. Nghĩa là chưa có bệnh gì hay trường hợp nào trong khi mang thai cần nằm yên bất động. Ở Mỹ, ở Canada, ở Anh… đều khuyên vậy, ở Việt Nam khó khuyên hơn. Bác sĩ kêu vận động tại bác sĩ không biết con tôi quý, thai tôi yếu, cơ thể tôi yếu, đúng không?
Nói thiệt chớ nhiều bữa mình cũng không muốn bật dậy khỏi giường, trời lạnh lạnh này, muốn nằm yên cuộn tròn trong chăn. Nhưng mà ngặt nỗi nằm một hồi thì không có gì ăn nên phải đi làm, để lặp đi lặp lại với bệnh nhân “vận động, vận động nha” trong… tuyệt vọng!
 

CHUYỆN NƯỚC ỐI

Em bé nằm trong tử cung của mẹ, xung quanh là nước ối. Nước ối rất quan trọng cho sự sống và phát triển của thai nhi, tạo môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối. Ngoài ra nước ối còn giúp bảo vệ em bé nữa. Khi chuyển dạ hay sanh, nước ối giúp cho quá trình chuyển dạ thuận lợi hơn.
 
Chính vì những chức năng quan trọng này, khi theo dõi thai, bác sĩ luôn quan tâm đến nước ối. Nếu đang có thai hoặc chuẩn bị có thai, bạn cần đọc mấy điều cơ bản này nè:
 
1. Nước ối không phải từ nước mẹ uống
Nước ối có thể tạo thành từ nhiều nguồn gốc, từ giữa thai kỳ trở đi, chủ yếu là từ thai. Mẹ uống nước thì…đi tiểu, nên khi bác sĩ nói ối ít đừng tự trách mình, rồi cứ ráng uống nước nhiều nhiều vô, chỉ tổ óc ách và đi tiểu liên tục thôi. Điều cơ bản khi chăm sóc bản thân dù có thai hay không vẫn là uống đủ nước, đủ có nghĩa là không thiếu không thừa. Vì vậy tạo thói quen uống đủ nước để mình khỏe trước cái đã.
 
2. Thiểu ối hay đa ối: chủ yếu đánh giá qua siêu âm. Thiểu ối khi chỉ số ối (AFI) <5 hoặc khoang ối lớn nhất (KOLN) <2. Đa ối khi AFI ≥24 hoặc KOLN ≥8.
Rồi, giờ bạn tự tin đọc kết quả siêu âm rồi đó. Đọc cho biết cái đã, chứ một ngày mà siêu âm 3 nơi cho 3 chỉ số AFI khác nhau cũng không khó hiểu mấy, quan trọng là biết AFI như vậy là bình thường. Chỉ số ối dao động qua những lần khám khác nhau cũng là bình thường, miễn là đừng có đa ối hay thiểu ối thôi, không nhất định phải là con số hằng định.
 
3. Thiểu ối hoặc đa ối có nguy hiểm không?

Ngoài chuyện ối ít do vỡ ối, thì nước ối ít kèm một số rủi ro em bé bị bất thường, thai suy dinh dưỡng. Nếu tình trạng thiểu ối xảy ra sớm ở 3 tháng giữa thai kỳ có thể làm cứng khớp do không cử động tốt, sự chèn ép làm em bé dễ bị suy v.v…

Ngược lại, nước ối quá nhiều cũng có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh, sanh non, mẹ tăng nguy cơ băng huyết sau sanh...

 

4. Làm gì khi ối không bình thường?
Hỏi bác sĩ về tình trạng thai, chắc chắn bác sĩ khám sẽ kiểm tra các nguyên nhân có thể gây nên tình trạng thiểu ối hay đa ối. Mặc dù không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân, nhưng khi tình trạng ối không bình thường, có thể phải khám thai thường xuyên hơn để đánh giá sức khỏe em bé. Chuẩn bị tinh thần em bé chào đời sớm hơn dự kiến.
 
5. Uống nước dừa có làm tăng nước ối không?
Mình chưa đọc được nghiên cứu hay tài liệu nào cho thấy nước dừa làm tăng nước ối hết. Vẫn là câu nói quen thuộc “cái gì quá là không tốt”, nếu có thích uống, thì uống mỗi ngày 1 trái cho vui cũng được, còn nước từ nước uống, sữa, súp, thực phẩm v.v…nữa.
 
6. Ngoài thể tích nước ối, bác sĩ còn quan tâm màu sắc nước ối, tuy nhiên, không có cách đánh giá màu sắc nước ối khi ối còn nguyên vẹn. Thỉnh thoảng bệnh nhân cũng hỏi “nước ối em trong hay đục” dù thai mới 11-12 tuần. Và cũng chỉ hỏi kiểu “trong nhờ đục chịu” chứ mình cũng bất lực.
 
Sáng nay có bạn cũ của mình, thai cũng 35-36 tuần, nghĩa là sắp sinh rồi, đi khám thai bảo rằng ối lần này còn 9, lần trước 13, và về dồn hết sức lực uống nước. Không biết ai chơi kỳ khuyên sáng thức dậy đừng ăn gì vội, uống ngay một chai to oạch, khó thở quá mới gọi cho mình. Sau một hồi tâm sự, bạn mới tạm yên vụ “cả ngày chỉ lo uống nước”! Quay lại đọc điều 1 đầu bài nha. Cả ngày uống nước – rồi đi xả, rồi uống, rồi xả - cuộc đời ướt át như tình đầu, mà tình đầu thường hay…nhiều sai lầm!!!!
 

CHUYỆN THỬ THAI – QUE THỬ HAY XÉT NGHIỆM MÁU TỐT HƠN

Để biết có thai có 3 cách chính: thử máu, thử que, hoặc đi siêu âm. Que thử thai tại nhà thì chắc ai cũng biết rồi, thử máu thì chắc các chị hiếm muộn rành hơn, còn siêu âm cũng không xa lạ gì. Nhưng mà không phải ai cũng hiểu đúng đâu nha. Giờ mình kiểm tra thử xem.
 
1. Que hai vạch thì chắc chắn có bầu
Chưa chắc. Cơ chế của que thử thai là “bắt” hCG – tên một loại nội tiết tố tiết ra khi có thai. Tuy nhiên nhiều khi bắt nhầm, hoặc bạn đang sử dụng thuốc có hCG nên vẫn hiện lên 2 vạch mà không có bầu.
 
2. Que 1 vạch thì chắc chắn không có thai
Cũng chưa chắc luôn. Tài liệu nói rằng khi bạn trễ kinh và thật sự có thai ở chu kỳ đó, khi vừa trễ kinh 1 ngày mà test thì 90% sẽ dương tính, 10% còn lại chưa hiện ra vạch thứ 2. Khi trễ kinh 7 ngày thì 97% sẽ có kết quả dương tính nếu có thai. Nên có khi thử sớm quá, hoặc chưa đúng cách thì sẽ cho kết quả không đúng.
 
3. Vạch đậm hay nhạt chứng tỏ là thai khỏe hay không khỏe
Nếu thử đúng cách, que không trục trặc thì nồng độ hCG đạt ngưỡng nhất định là que đậm như nhau. Tuân thủ hướng dẫn sử dụng, nghĩa là đợi đủ thời gian, lượng nước tiểu đủ, sẽ hạn chế kết quả sai. Còn chuyện đậm nhạt để tiên lượng thai thì hoàn toàn không có cơ sở.
 
4. Xét nghiệm máu giúp xác định chắc chắn có thai
99,99% là đúng. Vì xét nghiệm máu là định lượng, biết chính xác nồng độ hCG trong máu là bao nhiêu. Trong một số trường hợp sẽ hỗ trợ chẩn đoán vị trí thai (thai ở trong hay ngoài tử cung), tình trạng thai trong giai đoạn sớm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của mức tăng giảm này. Đồn đại nhau nếu không tăng gấp đôi sau 48g là thai ngoài tử cung hay thai thoái triển không đúng lắm. Để đánh giá cần nhiều kiến thức và phối hợp nhiều “món” khác nhau.
Ngoài ra, hCG không giúp tiên lượng thai khỏe, thai bình thường. Ý nghĩa chính xác nhất có lẽ là có thai, chấm hết.
Sở dĩ mình nói chuyện này là vì có nhiều chị có thai (đặc biệt là thai sau thụ tinh trong ống nghiệm) cứ đi xét nghiệm liên tục, vừa tốn tiền, vừa bị lấy máu đau, vừa lo sợ không đâu. Khoảng dao động của nồng độ beta hCG trong cùng một tuổi thai rất lớn, chưa kể là thai TTTON có khi đa thai. Do vậy, bạn cần nhớ mấy điều:
- Cần ghi nhớ chính xác ngày kinh của mình. Không nhớ thì khoanh lịch, ghi chú trên điện thoại, sử dụng các app theo dõi chu kỳ.
- Khi đang không ngừa thai, hoặc áp dụng các biện pháp ngừa thai hiệu quả thấp (như xuất tinh ngoài âm đạo, tính ngày giao hợp) thì nên thử thai khi trễ kinh. Có thể đợi khoảng 1 tuần để đi khám nếu không có dấu hiệu bất thường, ví dụ như đau bụng hay ra huyết ít ít, kéo dài, tính chất khác máu kinh bình thường.
- Nếu đã siêu âm thấy túi thai trong tử cung mà chưa thấy phôi thai, tim thai thì cứ bình tĩnh tái khám theo lịch hẹn, không cần xét nghiệm máu liên tục để xem thai thế nào.
- Tiêm hCG không giúp ích gì.
- Thuốc tiêm, thuốc đặt, thuốc uống dưỡng thai không phải giúp thai khỏe. Combo tổng tấn công tiêm thuốc – đặt – uống – bất động chỉ làm tinh thần thêm khủng hoảng.
Những điều mình nói có thể khó chấp nhận, không sao, vì sự thật không phải lúc nào cũng dễ chấp nhận.
 

TIÊM NGỪA COVID-19 CHO PHỤ NỮ MANG THAI VÀ CHO CON BÚ

Hiện nay, các hiệp hội Y khoa trên thế giới (ACOG, RCOG, SMFM...) đều KHUYẾN CÁO nên tiêm ngừa COVID cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Giới Y khoa đều vui mừng khi dữ liệu về tác động có lợi khi tiêm vaccine cho nhóm đối tượng đặc biệt này ngày càng tích cực. Thông tin cũng nhiều rồi, mình nói thêm vài vấn đề liên quan để các bạn yên tâm hơn mà tiêm ngừa khi có thể.
 
1. Sau khi tiêm mà có thai thì tính sao?
Vẫn có thể giữ thai, theo dõi thai và tiêm tiếp mũi hai khi đến hẹn. Các dữ liệu hiện có cho thấy các loại vắc-xin hiện nay (Astra Zeneca, Pfizer, Moderna và Janssen) không gây tác động bất lợi nào trên thai kỳ, dù chưa có dữ liệu của Astra Zeneca trên thai.
 
2. Bà mẹ cho con bú có cần ngưng cho bú hay không?
Không cần, không có khuyến cáo ngưng cho con bú sau tiêm.
Tuy nhiên, mình hay hướng dẫn bệnh nhân vắt sữa trữ, phòng khi mẹ sốt, mệt mỏi, cần nghỉ ngơi thì em bé vẫn có sữa để bú. Phương pháp này không có trong tài liệu, tuy nhiên các bà mẹ sẽ thấy an tâm hơn. Tâm lý trị liệu nhiều khi quan trọng, bởi các bà mẹ xem việc bú tí quan trọng hơn nghiên cứu này nọ ????
 
3. Thai phụ nên tiêm vào thời điểm nào?
Thời điểm nào có cơ hội tiêm thì tiêm ngay.
Do các nghiên cứu về thuốc, vaccine sẽ loại đối tượng mang thai và cho con bú nên dữ liệu trên nhóm đối tượng này ít hơn và chậm hơn nhóm không có thai. Tuy nhiên, đến nay, hiệu quả bảo vệ có vẻ tương đương ở hai nhóm.
Bạn có thể tìm fb của BS Dang Quang Vinh đọc thêm bài chi tiết về tiêm phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Nguồn thông tin từ BS Vinh là thông tin chính thống, tại vì đây là boss của mình ????
 

TẠI SAO PHẢI KHÁM THAI GIAI ĐOẠN SỚM?

Khi bạn trễ kinh, khi nào thì nên đi khám thai? Có đúng là nên đợi thai “bám chắc chắc” rồi hẳn đi khám hay không?
Khi trễ kinh, bạn nên đi khám nếu chu kỳ kinh đều đặn và đang không ngừa thai hoặc sử dụng các biện pháp ngừa thai hiệu quả không cao như xuất tinh ngoài âm đạo hoặc tính ngày giao hợp. Bởi vì khám thai giai đoạn sớm có thể trả lời nhiều câu hỏi rất quan trọng như:
- Xác nhận chính xác là có thai hay không.
- Xác định tuổi thai, xem thai có hoạt động tim thai hay chưa (một dấu hiệu của sự sống).
- Bao nhiêu thai
- Phát hiện các bất thường có thể như thai ngoài tử cung, thai bám vị trí sẹo mổ lấy thai nếu bạn từng mổ lấy thai trước đó…
Không có dấu hiệu nào xác định thai đã bám chắc chắn. Nguyên tắc chính là khi thai càng lớn thì nguy cơ sẩy thai sẽ giảm.
 
Không nên siêu âm ngả âm đạo (hay bị gọi sai là siêu âm đầu dò) khi mới có thai, đúng hay không?
Không đúng. Bởi vì siêu âm ngả âm đạo quan sát thai khi thai còn nhỏ tốt hơn, giúp đánh giá vị trí thai, nhất là xác định thai đã có hoạt động tim thai hay chưa. Do đầu dò đặt trong âm đạo (còn thai nằm trong tử cung, trong bụng) nên không gây hại cho thai.
 
Khám thai giai đoạn sớm cần hỏi bác sĩ những gì?
- Thai có ở vị trí bình thường không?
- Có bao nhiêu thai?
- Ngày dự sinh (nếu tính được)
- Hiện tại có ghi nhận được dấu hiệu nào bất thường hay không?
- Khi nào siêu âm đo khoảng sáng sau gáy (còn gọi là độ mờ da gáy) và thực hiện các xét nghiệm tầm soát bất thường cho bé.
 
Vì sao mình viết bài này? Vì dịch bệnh lại bùng phát trở lại. Những điều rất đơn giản như đi khám thai định kỳ có thể trở nên khó khăn hơn ở những địa phương đang giãn cách xã hội hoặc bạn đang trong tình trạng phải cách ly. Hơn nữa, mùa dịch ở nhà dễ “vỡ kế hoạch”. Do vậy, bạn cần:
- Chú ý ngừa thai. Sử dụng các biện pháp ngừa thai hiệu quả.
- Nếu trễ kinh mà chưa đi khám được, nên theo dõi cẩn thận. Đi khám ngay nếu thấy đau bụng, ra huyết bất thường. Đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, nếu có thể nên liên lạc trước với bệnh viện hoặc phòng khám để hẹn giờ khám, hạn chế chờ đợi và tiếp xúc nhiều người.
 

TRẦM CẢM TRONG THAI KỲ

Sáng nay nhìn trời vần vũ chuyển mưa, tự nhiên thốt lên câu "chắc trầm cảm mất thôi" – một mình.
Vậy là tìm đọc bài này. Vì mình chợt nghĩ, thời gian này, mấy Mẹ bầu chắc còn dễ lo lắng, sợ hãi hơn.
Khi có một nỗi buồn, lo lắng, sợ hãi nào đó đeo bám bạn, làm ảnh hưởng suy nghĩ, tâm trạng, thói quen và hoạt động của bạn, hãy chú ý, coi chừng “trầm cảm ghé thăm”.
 
Có nhiều mẹ bầu bị trầm cảm khi có thai không?
Người ta thống kê cứ 10 người mang thai thì có một người bị trầm cảm trong thai kỳ (mùa dịch chắc nhiều hơn, hẳn rồi). Thường thì những bà mẹ có thai lần đầu, thai ngoài ý muốn hoặc từng có biến cố trong những lần mang thai trước sẽ dễ bị hơn.
Nếu mẹ trải qua chuyện không vui như mất đi người thân, hôn nhân không bình yên, đột ngột phải sống xa người thân…thì nhiều khi chưa đến mức trầm cảm nhưng sẽ stress, lo âu nhiều hơn. Nếu thật vậy cũng nên tìm người để trút hết tâm tư trong lòng cho bớt buồn.
 
Làm sao nhận biết mình có đang trầm cảm hay không?
Hãy tự quan sát mình trong khoảng thời gian 2 tuần gần đây mình có mấy dấu hiệu này không:
- Gần như ngày nào cũng tuột “mood”, hay là thấy buồn bã.
- Không thấy hứng thú với công việc hay các hoạt động thường nhật.
- Luôn cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng, hay cảm thấy có lỗi.
- Ngủ nhiều hơn bình thường, hoặc mất ngủ, không ngủ được.
- Ăn không ngon, sụt cân, hoặc ngược lại là ăn nhiều, ăn liên tục và tăng cân nhanh.
- Cảm thấy mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng
- Khó tập trung, khó ra quyết định.
- Luôn bồn chồn, hoặc chậm chạp
- Nghĩ đến cái chết, muốn tự tử (mức này là nặng rồi đó). Nếu có nghĩ đến điều này, lập tức đi khám, hoặc kể cho người mình yêu thương, tin tưởng nhất (chồng, mẹ, bạn thân, chị em gái).
 
Trầm cảm khi mang thai có điều trị được không?
Được, bác sĩ có chuyên môn sẽ tư vấn, tháo gỡ những gút mắc trong lòng bạn, hoặc cho bạn uống thuốc chống trầm cảm nếu cần.
Nếu không điều trị sẽ dẫn đến nhiều hậu quả, chẳng hạn: sinh non, thai không phát triển tốt, sau khi chào đời em bé có khuynh hướng khóc nhiều hơn, và nhiều vấn đề nữa khi em bé lớn lên. Trước mắt, sau khi sinh con, bạn lại dễ bị trầm cảm sau sinh nữa.
Mang thai là điều hạnh phúc của phần lớn các bà mẹ, nhưng cũng là “gánh nặng” với một số ít trường hợp khác. Dẫu gì đi nữa, thì em bé trong bụng không có lỗi lầm gì, hãy thương em bé mà cố gắng. Mẹ mà, không thương con thì ai thương bây giờ.
 

FOLATE VÀ ACID FOLIC TRONG THAI KỲ

Folate và anh em của nó là acid folic rất quan trọng trong thai kỳ, bởi vì có khả năng dự phòng dị tật ống thần kinh (não và cột sống) cho trẻ. Hầu hết các khuyến cáo hiện nay đều khuyên mẹ bầu cần bổ sung acid folic trước khi mang thai, đặc biệt là những trường hợp có tiền căn thai bị dị tật ống thần kinh. Ngoài khả năng kể trên, việc bổ sung đầy đủ có thể giúp hạn chế một số bất thường khác ở tim, sứt môi v.v…
 
1. Folate và acid folic khác nhau thế nào?
Folate là dạng vitamin B9 tự nhiên, có trong thực phẩm. Acid folic là dạng tổng hợp, bổ sung trong thực phẩm hoặc các viên vitamin tổng hợp
 
2. Mình cần bao nhiêu mỗi ngày?
Người trưởng thành cần khoảng 400 mcg mối ngày, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang có thai cần 400 – 1000 mcg mỗi ngày.
 
3. Ngoài viên uống bổ sung, mình có thể ăn những loại thức ăn nào để tăng cường thêm folate?
Folate có nhiều trong các loại rau lá xanh đậm, bông cải xanh, rau bina, các loại đậu, ngũ cốc. Trong trái cây thì có cam, chanh, chuối, dâu tây….
 

BỔ SUNG CALCIUM (CAN-XI) TRONG THAI KỲ

Việc đủ calcium trong khi có thai không chỉ là "bổ xương", giúp con cao lớn như các mẹ bầu hay nghĩ, mà rất quan trọng cho nhiều hệ cơ quan khác, như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn.
Phụ nữ mang thai và cho con bú cần khoảng 1000mg calcium mỗi ngày. Đừng nghĩ ngay đến thuốc, mình có thể bổ sung calcium qua các nguồn thực phẩm sau đây:
- Rau quả: bông cải xanh, cải kale (cải xoăn), quả sung (khô), cam...
- Sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai các loại.
- Cá hồi, tôm.
- Đậu trắng, đậu đỏ, đậu gà.
Quan trọng nè, nhớ tiếp xúc ánh nắng nha.
 

Ở CỮ

Bà Ngoại U90, cứ thấy con cháu về thăm là hối thúc chuyện lấy chồng hoặc đẻ con. Quanh quẩn một hồi bà truyền lại kinh nghiệm “ở cữ”, dù gì bà cũng trải qua đến 9 lần.
Sau sanh con, đúng 100 ngày ở trong phòng tối, không tắm rửa, tha nghệ đầy mặt, đầy mình. Tới bữa ăn, bà Cố ngoại mang cho cơm với món cá kho khô thiệt là mặn. Bà biểu ăn canh mai mốt “ngồi đâu đái đó” (xin lỗi, trích nguyên văn). Ăn xong lấy giấy điếu lau miệng, lau răng.
Ông Ngoại đi làm xa, lâu lâu ghé về thăm, vô cái phòng tối om, than nóng hầm hập, vén màn nhìn vợ mình chẳng khác nào....con ma. Tóc tai dài rũ rượi, mặt nổi đầy mụn, toàn thân vàng khè nghệ. Ông theo Tây học, kêu ra ngoài tắm rửa, súc miệng cho sạch, mở cửa cho nắng gió vào. Rồi ông đi tiếp, quy trình quay lại như cũ. Vậy mà mấy đứa con Ngoại, có cả mẹ mình, lớn lên khoẻ mạnh. Ngoại bây giờ vẫn minh mẫn, da hồng hào, hay cười móm mém.
 
Hồi lâu, có dịp ghé thăm người chị bà con xa. Chị sanh được non tháng, đang chờ bà Ngoại nấu nồi nước lá xông hơi, lau mình. Hai tai chị nhét bông gòn, nhìn hơi xanh xao. Ngồi chừng mươi phút, chị vô phòng để dằn muối. Ra về mình cứ ong ong mấy câu hỏi trong đầu. Hồi mình sanh (mổ) chưa đầy 24 tiếng là mình ngồi dậy đi tắm, tự gội đầu dù hơi khó khăn. Giờ mỗi lần lên cơn đau nửa đầu, mẹ mình lại thầm thì “đó, hồi đó gội đầu sớm quá”.
Phải chừng 5-7 năm trước, mình sẽ la làng lên, rằng không nhét gòn, không xông hơ gì hết, ba cái đó không khoa học. Nhưng đến giờ, chắc chỉ cười trừ.
Chuyện không nằm than thì rõ rồi vì độc hại, nguy hiểm. Chắc tại hồi xưa nhà tranh gió lùa, thêm sau sanh mất máu làm sản phụ hay lạnh, chút xíu than sưởi ấm thấy khoẻ hơn nên thành ra thông lệ. Miền Nam nắng ấm quanh năm còn đỡ, chớ mùa rét miền Bắc lạnh thấu xương. Nhưng bây giờ nhà cửa đàng hoàng, phòng kín gió lùa, tục lệ cũ chắc dần sẽ xoá được.
Ăn uống nên bớt khắt khe, miễn người mẹ ngon miệng, no đủ. Dù đồ ăn ngon cách mấy, mà bực bội, mệt mỏi cũng ăn không vô. Để người mẹ thoải mái, thèm ăn thì ăn, ăn no thì nghỉ, không thúc ép, ăn cho khoẻ bản thân trước. Mẹ khoẻ thì con khoẻ thôi.
Tắm gội kỹ càng, ai mà vui được khi cơ thể hôi hám, xấu xí. Tắm xong lau khô, sấy tóc cho sạch sẽ thơm tho, tâm trạng cũng tốt hơn.
 
Mấy chuyện ở cữ không biết đúng sai ở đâu, nhưng tự dưng đến giai đoạn thấy không phải chuyện gì cũng phân định sai đúng được. Nếu cảm nhận bản thân thoải mái, không đụng chạm gì ai thì bớt cảm giác thấy có lỗi lại. Không cần phải mặc cảm tội lỗi khi mình làm chưa tốt theo chuẩn mực người khác. Giai đoạn hậu sản, chỉ cần bạn nhắc mình mỗi ngày “thời gian này mình chỉ có 2 việc cần làm, lo cho bản thân và lo cho con, hết”. Lo cho bản thân theo kiểu bạn muốn, không áp lực tốt xấu, không chị A dì B bà C kêu biểu.
 

THAI NHỎ XÍU NHỎ XIU

Khi bác sĩ nói với bạn em bé quá nhỏ so với tuổi thai, từ chuyên môn gọi là “thai giới hạn tăng trưởng”, có nghĩa là kích thước em bé nhỏ, cân nặng em bé thấp hơn khoảng cân nặng của các em bé khác cùng tuổi thai. Thai giới hạn tăng trưởng đáng lo ngại bởi vì không chỉ có nguy cơ xấu cho thai, mà còn ảnh hưởng cả sức khỏe sau này của em bé.
 
Có phải em bé nào nhỏ hơn tuổi thai đều gọi là thai giới hạn tăng trưởng hay không?
Không đúng. Một số em bé nhỏ - chỉ đơn thuần là “nhỏ con”, không có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe.
Làm sao biết thai bị giới hạn tăng trưởng?
Nếu bạn khám thai định kỳ đều đặn, chắc chắn bác sĩ sẽ theo dõi em bé có tăng trưởng đúng mức hay không. Hầu hết các trường hợp chẩn đoán thai giới hạn tăng trưởng là qua siêu âm. Các chỉ số đánh giá kích thước, cân nặng trên siêu âm bao gồm vòng đầu, vòng bụng và chiều dài xương đùi, từ đó tính ra cân nặng em bé và so sánh với khoảng tham chiếu theo tuổi thai. Cách thứ hai là đo bề cao tử cung. Đến đây xin nói chi tiết hơn, không phải cứ bụng nhỏ là em bé giới hạn tăng trưởng, bụng to cũng giới hạn như thường, vì bụng to do….mỡ bụng của mẹ đó. Và cũng không phải cùng một tuổi thai mà cân nặng em bé của bạn nhỏ hơn em bé khác thì em bé bạn có vấn đề. Có khi em bé kia to quá thôi. Gắn hashtag #ngungsosanh ở đây nha ????
 
Nguyên nhân gây ra thai giới hạn tăng trưởng là gì?
Khi chẩn đoán thai giới hạn tăng trưởng, bác sĩ của bạn có thể cố gắng tìm những nguyên nhân có thể, tuy nhiên cần nói trước là có thể không xác định được nguyên nhân nào. Các nguyên nhân có thể là:
Nguyên nhân từ mẹ như tiểu đường, bệnh tim, bệnh mạn tính trước đó; cao huyết áp trong thai kỳ, mẹ bị nhiễm trùng và truyền cho thai, uống thuốc hoặc tiếp xúc chất độc hại…
Nguyên nhân có thể từ thai nhi: như thai bất thường nhiễm sắc thể.
Nguyên nhân từ bánh nhau: do bánh nhau không hoạt động tốt làm em bé không nhận đủ dưỡng chất để lớn lên.
Một nguyên nhân khác cũng hay gặp là mẹ mang song thai, tam thai.
Việc đánh giá em bé giới hạn tăng trưởng có vai trò quan trọng của việc tính chính xác tuổi thai, mình nhắc hoài là các bạn nên khám thai sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ để tính tuổi thai và ngày dự sanh. Việc tính chính xác tuổi thai sẽ tránh trường hợp em bé đang phát triển bình thường, chỉ vì tính sai tuổi thai mà bị chẩn đoán chậm tăng trưởng (ví dụ thai thực sự mới 28 tuần mà tính thành 30 tuần).
Mẹ ăn chay, làm việc trong thai kỳ không là nguyên nhân làm thai giới hạn tăng trưởng. Bạn chỉ cần ăn đủ chất, tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá hoặc tự ý dùng thuốc lung tung là có thể giúp hạn chế thai giới hạn tăng trưởng.
 
Điều trị:
Hiện nay chưa có điều trị đặc hiệu, nhưng việc phát hiện thai giới hạn tăng trưởng sẽ giúp quản lý thai tốt hơn và quyết định thời điểm đúng đắn để em bé ra đời. Nếu đã chẩn đoán thai giới hạn tăng trưởng, việc khám thai của bạn có thể “nhiêu khê” hơn do phải khám thường xuyên hơn, làm nhiều xét nghiệm hơn so với thai bình thường. Ngoài ra, có thể em bé sẽ phải ra đời sớm hơn thời điểm mong muốn.
Nằm yên tại giường, hạn chế vận động, ăn nhiều thật nhiều…đều không giúp ích gì khi thai giới hạn tăng trưởng, thậm chí gây hại hơn. Điều bạn cần làm là tuân thủ lịch hẹn khám và thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ theo dõi.
Chúc em bé của bạn bình an.
 
Nguồn tham khảo: SMFM patient education series: Fetal growth restriction.
 

NẾU ĐÃ TỪNG MỔ LẤY THAI - ĐÔI ĐIỀU CẦN BIẾT KHI BẠN MUỐN SINH THÊM

Dù Tổ chức Y tế thế giới nói rằng, tỷ lệ mổ lấy thai lý hợp lý chỉ khoảng 10-15%, nhưng thực tế tỷ lệ này cứ tăng dần. Việt Nam mình cũng nằm trong khuynh hướng chung nên ngày càng nhiều bà mẹ có vết mổ lấy thai trên tử cung. Những thông tin tóm lược bên dưới hy vọng giúp ích được cho những bà mẹ từng sinh mổ.
 

1. Đôi điều về vết mổ trên tử cung:

  • Về cơ bản, mổ lấy thai có 2 “kiểu”: mổ dọc hoặc mổ ngang. Vết sẹo trên bụng bạn có thể là dọc hay ngang giống như vậy, nhưng quan trọng là đường mổ trên tử cung. Hầu hết, các bác sĩ sẽ mổ ngang nếu không có gì đặc biệt buộc phải mổ dọc. Lý do đường mổ ngang sẽ ít chảy máu hơn. Ngoài ra, nếu mổ đường ngang trên tử cung, khi mang lại có thể theo dõi sanh ngả âm đạo nếu thuận lợi và không có điều gì bắt buộc mổ lại.
 
  • Bạn cần giữ lại các giấy tờ liên quan đến cuộc phẫu thuật để có thông tin chính xác, điều này sẽ giúp ích cho nhân viên y tế rất nhiều.
 
  • Lý do mổ, số lần mổ, các biến cố trong và sau mổ đều là những thông tin cực kỳ quan trọng cho lần mang thai tiếp theo.
 
 
2. Tôi cần lưu ý những gì nếu từng mổ lấy thai?
  • Nguy cơ đáng lưu ý cho lần mang thai sau là vỡ tử cung, đừng sợ, tỷ lệ vỡ tử cung khoảng 4 – 9%, do vậy phần lớn các bà mẹ đều an toàn. Vỡ tử cung có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, nhưng thương là gần hoặc trong chuyển dạ. Vì lý do nào đó phải mổ lại trong lần mang thai tiếp theo, hãy chuẩn bị tinh thần mổ lấy thai sớm hơn thơi điểm mong muốn. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa những lợi ích và nguy cơ cho mẹ và thai để quyết định thời điểm mổ lấy thai lại.

 

  • Nếu tôi chưa từng mổ lấy thai nhưng có mổ bóc u xơ tử cung…thì câu chuyện cũng giống như bạn mổ lấy thai vậy đó, vì mổ bóc u xơ tử cung cũng là vết mổ trên tử cung. Một lần nữa, bạn cần giữ lấy các giấy tờ liên quan cuộc mổ để bác sĩ có thông tin chính xác, mang tính quyết định thời điểm chấm dứt thai kỳ.
 
3. Có khác biệt gì không nếu tôi mổ lấy thai từ 2 lần trở lên?
  • Có – khác nhiều, vì khi này không ai can đảm thử thách chuyển dạ sinh thường do khả năng vỡ tử cung cao hơn. Ngay cả việc mổ lấy thai lại cũng khó khăn hơn, nhiều rủi ro hơn so với chỉ mổ 1 lần trước đó.

 

  • Hơn nữa, mổ lấy thai nhiều lần sẽ dễ bị nhau cài chặt vào tử cung (gọi là nhau cài răng lược) hoặc chảy máu nhiều sau mổ, đôi khi các bác sĩ cần cắt tử cung để cầm máu. Do vậy, thật sự chỉ nên mổ lấy thai khi đúng chỉ định Y khoa.
 
Năm mới sắp đến rồi, nhiều gia đình đang chuẩn bị kế hoạch có thêm em bé trong năm tới, hy vọng đọc xong đừng sợ quá mà “hoãn binh” nha! Dù sao, các bác sĩ sẽ cố gắng hết sức để mẹ tròn con vuông! Mổ lấy thai đúng chỉ định có thể cứu sống mẹ và con – mình cùng nhau xác nhận điều này cái đã. Tuy nhiên, việc này có thể có những điều không mong muốn về sau, vì vậy, nếu không thể tránh khỏi cuộc mổ thì mình tìm hiểu những rủi ro có thể gặp.
 
 

ĐAU ĐẦU – NHỨC ĐẦU KHI MANG THAI CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Đau đầu (nhức đầu) trong thời gian mang thai có thể do nhiều nguyên nhân, ví dụ như thay đổi nội tiết tố, căng thẳng, thiếu ngủ, mất nước, hạ đường huyết v.v…Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng có thể là triệu chứng của tiền sản giật (một bệnh lý có thể rất nguy hiểm trong thai kỳ). Vì vậy, bạn nhất định phải thông báo dấu hiệu này cho bác sĩ khám thai của bạn khi xuất hiện đau đầu hay đau nửa đầu.

Nếu tôi bị đau đầu hoặc đau nửa đầu, tôi có thể làm gì?
Đầu tiên, nhắc lại là báo cho bác sĩ khám để loại trừ ngay bệnh lý. Ngoài ra, bạn có thể

  • Massage đầu nhẹ nhàng
  • Uống nhiều nước hơn
  • Ăn đủ bữa, chú ý không để quá đói
  • Nếu nhạy cảm với ánh sáng/ âm thanh, cần tự mình hạn chế bị kích thích cơn đau đầu, như mang kinh khi ra nắng, tránh nơi ồn ào.
  • Uống thuốc giảm đau với tham vấn ý kiến của bác sĩ.
  • Nếu cơn đau đầu xuất hiện đột ngột, đau nhiều hơn so với cơn đau thường gặp, đặc biệt xuất hiện đau đầu ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ, có thể là dấu hiệu của tiền sản giật hoặc huyết áp cao khi mang thai. Ngoài ra, những cơn đau đầu liên quan tăng huyết áp thường dai dẳng, xảy ra thường xuyên. Nếu thấy đau đầu kèm thay đổi thị lực, nhìn mờ, đau vùng bụng bên phải, hoặc thấy mặt, tay chân phù lên, bắt buộc phải đi khám ngay, đừng trì hoãn

 

Để hạn chế cơn đau đầu, bạn có thể áp dụng vài cách sau đây:

  • Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và cố gắng thư giãn, tránh căng thẳng.
  • Tập thể dục (đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày chẳng hạn)
  • Cân bằng dinh dưỡng, chú ý ăn uống đủ lượng, đủ chất, chia nhỏ bữa ăn để tránh bị đói.
  • Một số thức ăn có thể gây đau đầu bạn cần tránh đó là cà phê, chocolate…
  • Chú ý uống đủ nước mỗi ngày.
  • Nói thêm về Acetaminophen – một thuốc giảm đau đầu thông dụng bạn có thể mua dễ dàng không cần toa thuốc (tên phổ biến là Panadol, Efferalgan v.v…) thường được chỉ định cho bà mẹ mang thai và cho con bú vì khá an toàn.
  • Tuy nhiên những nghiên cứu mới gần đây cho thấy có thể gây ảnh hưởng dài hạn cho trẻ nếu sử dụng không kiểm soát. Vì vậy, bạn tuyệt đối đừng tự ý mua uống, vì có thể không được chẩn đoán và xử trí thích hợp tiền sản giật cũng như ảnh hưởng em bé nếu sử dụng bừa bãi.

 

 

LÀM BỐ TUỔI 40

1. Sản khoa định nghĩa mẹ lớn tuổi khi mang thai sau 35 tuổi, tuy nhiên định nghĩa “bố lớn tuổi” có phần thiên vị hơn, đến sau 40 tuổi. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu có con ở độ tuổi này, đứa trẻ cũng có khả năng bị ảnh hưởng ít nhiều, chẳng hạn:

  •  Tăng nguy cơ sẩy thai, thai lưu: cả bố và mẹ quyết định có con khi lớn tuổi đều tăng khả năng này. Dù tuổi mẹ liên quan đến nguy cơ này nhiều hơn nhưng cũng cần cung cấp thông tin này cho bố để không trì hoãn có con vì bất kỳ lý do nào.
  • Tăng nguy cơ bất thường ở thai: có thể liên quan đến các bất thường hiếm gặp như bất thường phát triển xương chi, hộp sọ và bất thường ở tim.
  • Tự kỷ: kết quả nghiên cứu chứng minh có mối liên quan giữa tuổi bố và rối loạn tự kỷ ở trẻ.
  • Tăng nguy cơ một số bệnh về tâm thần, huyết học...

 

2. Các nhà nghiên cứu khoa học tin rằng nguy cơ gia tăng bệnh lý có thể là do đột biến gen ngẫu nhiên trong tinh trùng xảy ra ở nam giới lớn tuổi nhiều hơn nam giới trẻ tuổi. Dù những rủi ro này liên quan đến tuổi mẹ trên 40 nhiều hơn, nhưng rõ ràng đã đến lúc nhìn lại một sự thật rằng, mỗi đứa trẻ ra đời đều cần đóng góp của cả bố và mẹ.

 

3. Chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ cũng vậy, không thể là “con hư tại mẹ” đâu nha. Mình tin rằng, nếu bố lớn tuổi, khoảng cách thế hệ cũng có thể là vấn đề nan giải trong việc dạy dỗ con. Vì đứa trẻ sẽ thiệt thòi hơn nếu không có một người - bạn - bố bên cạnh chơi đủ thứ trò trẻ con vui nhộn - điều này đóng góp ít nhiều cho sự phát triển của trẻ.

 

4. Khuynh hướng có con muộn hiện nay không ít, nhưng đứa trẻ đã không thể quyết định sự có mặt của mình trên đời này, nên chăng người làm bố mẹ cần “công bằng” một chút với con, muốn cho con những gì tốt nhất có lẽ đừng trì hoãn có con!

 

Người đàn ông có con ở độ tuổi kinh ngạc 94 tuổi!

U XƠ CƠ TỬ CUNG VÀ THAI KỲ

U xơ cơ tử cung (còn được gọi là u xơ, nhân xơ v.v…) là bệnh phụ khoa lành tính, rất rất rất ít khi hoá ác. Nếu kích thước nhỏ, không gây rong kinh rong huyết hoặc không đang mong con, chỉ cần theo dõi định kỳ. Nhiều trường hợp phát hiện UXCTC tình cờ khi khám phụ khoa hoặc siêu âm, điều đó nghĩa là UXCTC có thể hoàn toàn không gây triệu chứng. Tuy nhiên, UXCTC cũng có thể gây ra huyết âm đạo bất thường, đau bụng, thiếu máu, hoặc ít gặp hơn là hiếm muộn, sẩy thai nhiều lần v.v…

 

Nếu có u xơ cơ tử cung và đang có thai thì có sao không?

  • Có thể có, ít nhất là bạn sẽ lo lắng nhiều hơn, lo u xơ chèn ép em bé không lớn được, lo u xơ đẩy em bé ra ngoài nhưng mà…bình tĩnh lại, không có đáng sợ vậy đâu. Ảnh hưởng của UXCTC cho thai không phải luôn luôn, bạn vẫn có thể chung sống hoà bình với khối UXCTC và em bé vẫn an toàn. Việc bạn cần làm là theo dõi thai kỳ đầy đủ, không cần nằm bất động, vẫn có thể ăn uống như bình thường.

 

  • Tuy nhiên UXCTC thật sự có thể gây ảnh hưởng đến thai. Ảnh hưởng của UXCTC phụ thuộc nhiều yếu tố, như số lượng UXCTC, vị trí của UXCTC trên tử cung, kích thước khối UXCTC. Một số nguy cơ tăng lên khi có UXCTC trong thai kỳ là sinh non, ngôi thai bất thường – đồng nghĩa với việc tăng khả năng mổ lấy thai, em bé có thể nhẹ cân hơn so với những trường hợp không có UXCTC.

 

  • Khi mang UXCTC có thể gia tăng kích thước so với trước khi mang thai. Tuy nhiên việc đánh giá kích thước UXCTC khi siêu âm không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là trường hợp UXCTC năm ở mặt sau tử cung hoặc có nhiều khối trên tử cung, không đo đạc được hết. Nhiều chị cứ nằng nặc đòi đo UXCTC, xong rồi so sánh, rồi buồn rầu, khóc lóc. Biết đâu mai mốt người ta nghiên cứu được nếu khóc khi mang thai u xơ càng to nhanh thì sao?

 

  • Ngoài ra, có khoảng 5-15% bà mẹ mang thai có thể bị đau bụng khi có UXCTC, tuy nhiên cần khám bác sĩ để được đánh giá nguyên nhân có thể và chỉ định thuốc giảm đau thích hợp, an toàn.

 

Nếu đã được phẫu thuật bóc UXCTC trước khi mang thai, bạn tuyệt đối cần khám thai định kỳ đầy đủ. Đối với trường hợp này có thêm nguy cơ nữa là vỡ hoặc nứt tử cung. Tuỳ trường hợp mà bác sĩ sẽ hướng dẫn theo dõi thai và tư vấn thời điểm chấm dứt thai kỳ thích hợp. Bạn chỉ cần chuẩn bị tinh thần có thể em bé sẽ chào đời sớm hơn dự định, vậy thôi.

 

CÀ PHÊ SÁNG CHỦ NHẬT

Có bầu đừng uống cà phê

  • Mỗi sáng, nhấp một ngụm cà phê là thói quen của hàng triệu người trên toàn cầu. Thức uống thơm tho gây nghiện này gần như là món không thể thiếu ít nhất là với…mình. Trước đây đọc được thông tin thai phụ có thể uống cà phê với lượng hạn chế (mỗi ngày uống không quá 2 ly, khoảng 350ml/ly tương đương khoảng 200mg caffein) thì mừng lắm. Thế là mỗi ngày cứ uống 2 ly trong an tâm tuyệt đối.
  • Vậy mà, gần đây, một giáo sư người Iceland đã làm nhiều tín đồ cà phê, nhất là các tín đồ đang có thai buồn vô hạn khi kết luận rằng “không có mức tiêu thụ an toàn” của cà phê trong thai kỳ. Ông còn cảnh báo các phụ nữ đang mang thai hoặc mong con nên tránh caffein vì một thai kỳ an toàn.
  • Lời khuyên này là kết quả tổng hợp từ hơn 1200 bài nghiên cứu về mối liên quan giữa cà phê và các tác dụng bất lợi như sẩy thai, thai lưu, sinh non, bé nhẹ cân, bệnh bạch cầu cấp ở trẻ và chứng béo phì của trẻ sau này. Bài báo giải thích rằng caffeine tiêu thụ trong thai kỳ sẽ đi qua nhau thai, do đó khiến thai nhi tiếp xúc với nồng độ tương tự như ở người mẹ - với các tác động như co thắt mạch máu não và mạch vành, lợi tiểu, giãn phế quản hô hấp và tăng tiết acid đường tiêu hoá. Đau lòng hơn, tác giả còn nhấn mạnh caffein là “thủ phạm trực tiếp” chứ không phải “đồng phạm” gây ra các ảnh hưởng cho thai và ông kiên quyết nhận định “phụ nữ mang thai và sắp làm mẹ tốt nhất nên tránh dùng caffein”.
  • Không biết có nên bày tỏ lòng biết ơn với giáo sư hay không, khi mà giáo sư đã gián tiếp làm cho nhiều gia đình xào xáo. Sống kiểu gì đây khi ông chồng hí hửng nhấp ngụm cà phê thơm lừng, nhắm mắt thưởng thức, còn mình thì nghẹn ngào nuốt…nước bọt “vì một thai kỳ an toàn”!!!

 

 

 

 

TRẦM CẢM TRONG THAI KỲ

Thời gian mang thai có thể là thời gian hạnh phúc nhất trong đời người – nhưng có thể điều này hoàn toàn ngược lại với một số phụ nữ. Không ít người đã hoặc đang có một thai kỳ đầy nỗi lo lắng, hoang mang, sợ hãi, căng thẳng và…trầm cảm. Theo hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, tỷ lệ trầm cảm trong thời gian mang thai có thể hơn 20%. Quan trọng là, trầm cảm trong thai kỳ đôi khi khó nhận biết vì thay đổi cảm xúc khi có thai cũng có thể do thay đổi nội tiết tố.


Làm sao để nhận biết bạn hay người thân bị trầm cảm khi mang thai?
Hãy lưu ý nếu có một trong số các dấu hiệu sau đây:

  • Buồn bã kéo dài
  • Khó tập trung
  • Ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ
  • Không thích những hoạt động được yêu thích trước đây
  • Nghĩ đến tự tử, cái chết hoặc thấy tuyệt vọng
  • Lo âu
  • Cảm thấy mình vô dụng hoặc có tội
  • Thay đổi thói quen ăn uống

 

Các yếu tố có thể dẫn đến trầm cảm:

  • Đổ vỡ hoặc hôn nhân gặp trục trặc
  • Từng bị trầm cảm trước đây
  • Thai sau điều trị hiếm muộn
  • Từng bị sẩy thai, thai lưu
  • Biến cố trong cuộc sống
  • Thai bất thường

 

- Nếu bị trầm cảm mà không điều trị có thể gây hại cho mẹ và em bé trong bụng, chẳng hạn sinh non, trẻ nhẹ cân, ảnh hưởng đến cả sự phát triển của trẻ sau này. Mẹ trầm cảm không thể chăm sóc con tốt, nhiều khi còn gây hại cho con. Vì vậy, mẹ bầu cần được yêu thương, giúp đỡ, cần được quan tâm nhiều hơn bình thường, cần được nhường nhịn và ưu ái.

- Những điều trên nghe có vẻ “bình thường” lắm phải không? Hôm nay mình muốn chia sẻ điều hay ho hơn mà mình vừa đọc được đây nè.

- Nếu mình có thai, dù đó là chủ ý hay ngoại ý, thì trước tiên hãy cảm ơn chính mình. Trên đời này, biết bao nhiêu người ngày đêm mơ ước làm mẹ mà chưa được. Nếu cuộc sống quá khó khăn với hai mẹ con, thì cũng ráng tìm lý do để sống, để thương con, để nuôi con. Có thể tìm ai đó để mình chia sẻ, nương tựa tinh thần. Nếu không có ai, tự mình tựa mình cũng được. Tin mình đi, nuôi con lớn khôn là một công việc tuyệt vời dù rất khó khăn và không đơn giản. Em bé không có tội, không có lỗi gì với mình, mình đừng làm gì có lỗi với con.

- Nếu bạn từng có những thai kỳ không suôn sẻ, thì cũng là chuyện đã qua rồi. Chuyện lo lắng, quá căng thẳng sẽ lại gây hại cho chính em bé đang mang trong bụng. Vì vậy, tạm gác chuyện đã qua, vui vẻ tích cực để em bé hiện tại khoẻ mạnh, bình an!

- Biết sao mình viết bài này không? Tại vì vừa gặp một chị mang thai mới 19 tuần mà đi khám thai 20 lần rồi, chỉ vì hắt hơi cũng sợ thai lưu, cắt tóc cũng sợ phạm điều cấm kỵ khi có thai. Buồn thiệt chứ không chơi!

MẤY ĐIỀU GỬI MẸ BẦU ĐÀ NẴNG

Mấy điều gửi mẹ bầu Đà Nẵng hay mẹ bầu vừa đi Đà Nẵng về:

  • Thứ nhất, cần bình tĩnh.
  • Thứ hai, ở nhà nhiều nhất có thể, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết. Mua đồ thiết yếu có thể để người thân làm giúp. Ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, giữ tinh thần lạc quan.
  • Thứ ba, nếu đến lịch khám thai định kỳ, chủ động liên lạc với bác sĩ đang theo dõi xem có thể hoãn lại 2 tuần hay không. Nếu có, hoãn khám. Nếu không thể hoãn khám, đến bệnh viện bằng phương tiện cá nhân. Đeo khẩu trang liên tục, rửa tay thường xuyên. Khi đến bệnh viện khám không tập trung ngồi hỏi han, tâm sự với nhau. Nếu thuộc diện cách ly, nhớ thông báo với bác sĩ khám trước khi đi khám để được hướng dẫn.
  • Thứ tư, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, đặc biệt sốt, ho, khó thở, liên lạc với y tế địa phương hoặc bệnh viện đang theo dõi thai ngay. Ngay lúc có dấu hiệu, những người trong gia đình cần tự giác cách ly, đeo khẩu trang.
  • Thứ năm, trong tình thế này, cần tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình khám hoặc chỉ định.
    Cầu chúc mọi người bình an, mẹ bầu bình an, các bạn nhỏ bình an!

 

CÁC LOẠI VITAMIN VÀ CHẤT KHOÁNG CẦN TRONG THAI KỲ

Cơ thể của bạn luôn cần vitamin và chất khoáng, vì chúng có vai trò quan trọng, không riêng gì trong thai kỳ. Khi mang thai, cơ thể bạn cần nhiều acid folic và sắt hơn so với bình thường, còn lại bạn cần đảm bảo cơ thể mình được cung cấp đủ loại vitamin và khoáng chất cần thiết, ở bất kỳ giai đoạn nào.

Việc uống viên đa sinh tố (multivitamin) bổ sung trước và trong giai đoạn mang thai cũng là một trong những cách cung cấp cho cơ thể vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, bạn có thể xem lại chế độ ăn của mình nhằm hạn chế tình trạng thiếu vitamin dù đã ăn nhiều thật nhiều.

Mình sẽ giúp bạn điểm lại một số vitamin và khoáng chất chính yếu. Hy vọng bạn sẽ có thêm thông tin đánh giá lại bữa ăn của mình.

Một vài thông tin lưu ý thêm:

  • Acid folic: Hầu hết các hướng dẫn hiện tại đều khuyến cáo lượng acid folic cần thiết mỗi ngày khoảng 600 microgram, tuy nhiên rất khó đạt được mức này chỉ từ thức ăn, vì vậy bạn cần uống bổ sung. Các loại viên uống trên thị trường hiện nay đều có hàm lượng acid folic khoảng 600-800 microgram. Một vài trường hợp đặc biệt có thể có nhu cầu cao hơn. Nếu bạn đã từng sinh con bị dị tật ống thần kinh hoặc sử dụng thuốc chống động kinh, bạn cần tham vấn ý kiến bác sĩ để có thể dùng liều thích hợp.
  • Sắt: Nếu mẹ bị thiếu máu, có thể dẫn đến nhiều điều bất lợi cho thai, ví dụ sinh non hoặc trẻ nhẹ cân. Thiếu sắt là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu máu. Ngoài ra, khi có thai, nhu cầu sắt tăng hơn bình thường vì cơ thể bạn cần tạo ra nhiều máu hơn để cung cấp oxy cho mẹ và thai. Đó là lý do bạn cần bổ sung sắt, ăn thực phẩm giàu chất sắt.
  • Calcium: Tất cả phụ nữ ở mọi độ tuổi đều cần đủ calcium để duy trì hệ xương khoẻ mạnh. Nếu bạn không uống được sữa thì cũng còn nhiều nguồn để bổ sung calcium từ thức ăn, ví dụ như cá mòi, bông cải xanh..
  • Vitamin D: Bạn có thể kiểm tra nồng độ vitamin D trong máu bằng cách xét nghiệm. Việc để cơ thể tiếp xúc với ánh nắng cũng có thể giúp cơ thể tạo vitamin D. Ngoài những thức ăn kể trên, bạn còn có thể bổ sung vitamin D bằng đường uống.

MẸ LÀ SIÊU NHÂN

Khi mẹ mang thai, mọi người chỉ nhìn thấy sự thay đổi hình thể - cái bụng mẹ to dần, to dần. Nhưng sự thật bên trong cơ thể người mẹ diễn ra những biến đổi lớn lao vô cùng.

  • Tim mạch: thể tích máu tăng 30-50%, điều này nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn. Nhịp tim tăng 10-20 lần/phút (muốn biết cảm giác, bạn cứ leo 3 tầng lầu rồi cảm nhận). Đỉnh điểm của sự gia tăng hoạt động tim mạch là khoảng 20-24 tuần.
  • Hô hấp: gia tăng nội tiết tố trong thời gian mang thai có thể làm tăng tiết dịch nhầy ở mũi, khiến mẹ nghẹt mũi. Tử cung to lên, cơ hoành bị nâng lên, mẹ hô hấp khó khăn hơn, giảm thông khí một cách tương đối. Sự thay đổi về hô hấp, tim mạch khiến người mẹ mệt mỏi, không thể linh hoạt như bình thường.
  • Gan, mật: estrogen là một yếu tố nguy cơ quan trọng cho sự hình thành sỏi mật; nó làm tăng nồng độ cholesterol trong mật dẫn đến tăng nguy cơ hình thành sỏi mật. Ứ mật trong thai kỳ xảy ra khi dịch mật từ gan bị ngừng trệ trong khi mang thai. Cơ chế chính xác là không rõ ràng, nhưng các yếu tố di truyền, nội tiết tố và môi trường đều có thể là yếu tố góp phần. Cuối thai kỳ thường xảy ra tình trạng ứ mật, gây ngứa và nổi ban nhiều ở tay và chân.
  • Tiết niệu: thận phải làm việc chăm chỉ hơn trong thai kỳ vì phải lọc lượng máu nhiều hơn so với bình thường. Ngoài ra, tử cung tăng kích thước dần lên, chèn ép bàng quang nằm bên cạnh làm cho người mẹ phải đi tiểu thường xuyên hơn. Và hậu quả là ban đêm, mẹ sẽ mất ngủ vì đi tiểu liên tục.
  • Da và tóc: do hoạt động của nội tiết tố ở buồng trứng và tuyến thượng thận, người mẹ có thể xảy ra tình trạng rậm lông, ngay sau sinh lại rụng tóc rất nhiều. Cũng chính thay đổi nội tiết làm da mẹ sạm, nám (thấy rõ ở rốn, núm vú). Sự căng dãn làm thay đổi cấu trúc gây rạn da, cảm giác ngứa rát da…Ngoài ra, mẹ có thể bị nổi rất nhiều mụn. Việc sử dụng thuốc điều trị mụn tuyệt đối cần có sự tham vấn của bác sĩ, vì một số loại có thể gây dị tật thai.
  • Thị giác: có thể có cảm giác khô mắt hoặc thay đổi thị lực, nhưng những thay đổi này chỉ là tạm thời. Nếu cần phải thay đổi kính nếu có sẵn bệnh lý về khúc xạ nên khám chuyên khoa.
  • Thần kinh: một số bà mẹ có thể cảm thấy đau đầu khi có thai. Nếu dấu hiệu này xuất hiện lần đầu trong thai kỳ, bạn cần thông báo với bác sĩ theo dõi, có thể đây là triệu chứng của tăng huyết áp. Nếu mẹ có tiền căn bị đau đầu Migraines (kiếu đau nửa đầu, đập từng nhịp theo mạch đập), chứng đau đầu có thể nặng hơn do tăng estrogen và nguy cơ tiền sản giật tăng gấp nhiều lần so với những người không bị.

 

Bà mẹ có thể rất mệt, rất cáu bẳn, rất khó chịu và rất rất nhiều thứ không được êm ái gì cho lắm. Nhưng rồi sau hết, mẹ sẽ được đền bù xứng đáng…

NGÔI THAI

Bác sĩ được học: Ngôi thai là phần trình diện của thai nhi trước eo trên để thai sẽ lọt trong quá trình chuyển dạ. 
Nghĩ tới nghĩ lui, thấy khó hiểu quá.
Đừng hoang mang! Ngôi thai là phần thai ra ngoài đầu tiên khi mẹ sanh thường. Nó không “chuẩn mực” lắm nhưng dễ hiểu hơn rồi.

 

- Ngôi đầu: đầu ở dưới – chui ra ngoài trước khi mẹ sanh.
- Ngôi mông: mông ở dưới, đầu ở trên. Tay chân cơ động hơn tính sau.
- Ngôi ngang: thai nằm ngang, đầu có thể ở bên phải hay bên trái tuỳ ý em bé.

  1. Khi nào thai xoay đầu?
    Tuỳ ý em bé luôn. Thai nhỏ, bé cử động nhiều, xoay trở nhiều, nên ngôi thai không cố định. Hơn nữa, ít khi sanh ở giai đoạn này nên bác sĩ thường không để ý nhiều. Khi thai lớn, sẽ khó xoay dọc xoay ngang, đa phần quay đầu xuống. Khi mẹ sanh em bé ngôi đầu, đầu thai ra trước, phần thân sẽ ra dễ dàng hơn nên dân gian gọi ngôi đầu là ngôi thuận.
    Khi thai tầm 24-28 tuần, có khi quay xuống thành ngôi đầu, rồi có hôm vui quá, quay lên. Mẹ không cần quá lo lắng sao khi thì ngôi này, khi thì ngôi kia.
  2. Có phải quay đầu là dấu hiệu sắp sinh không?
    Trong các yếu tố nguy cơ sinh non không thấy kể “thai xoay đầu”. Vậy mà, có lần, một chị thai 29 tuần đi siêu âm thấy bác sĩ ghi “Thai ngôi đầu”, thế là khóc lên khóc xuống. Sau đó lên group kín hỏi thăm ý kiến các chị em. Mê hồn trận bày ra, nào là thôi chết rồi, sắp sinh non rồi! Thôi không xong rồi…Ơ hay, em bé xoay là chuyện của em bé, trong bụng mẹ buồn quá cho con nhào lộn giải trí với. Mẹ chuyển dạ sanh, "thủ phạm" là do cơn co tử cung và mở cổ tử cung, không phải do con quay đầu mẹ ơii!!
  3. Ngôi và chuyện sinh thường – sinh mổ:
    - Không phải ngôi đầu luôn luôn sinh thường được
    - Không phải ngôi mông luôn luôn bắt buộc phải mổ
    - Ngôi ngang không sinh thường được
    Chỉ cần nhớ vậy!
  4. Ngôi nào em bé thông minh hơn? Có phải con trai quậy nhiều nên hay bị ngôi mông? Ngôi nào nguy hiểm hơn? …
    Ngôi – đơn giản là vị thế! Thông minh hay không, giỏi giang hay không, con trai hay con gái…cũng vậy. Tuỳ tình trạng sức khoẻ của mẹ, của bé; tuổi thai…bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn sanh thường hay mổ. Việc này không thể đơn thuần dựa vào ngôi thai, trừ ngôi ngang.

MẸ BẦU VÀ MÙA CHAY

Bác sĩ ơi, có bầu ăn chay được không?
Được, lâu lâu ăn chay mấy bữa, đổi vị, lại dễ tiêu, tốt cho sức khoẻ. Ăn chay giúp lòng mình thanh thản, mình mang đứa con trong bụng, ăn chay mùa Vu Lan, chắc mình càng thấy thương Mẹ hơn. Món chay cũng ngon tuyệt nếu biết chế biến. Nếu ngán thịt cá, bạn có thể thay thế bằng bữa ăn chay thanh đạm cũng tốt.
Ăn chay cũng nhiều dạng, nếu chỉ kiêng thịt, có thể dùng sữa, trứng, cá...cũng tương đối đủ dinh dưỡng. Nếu không sử dụng trứng, cá, gia cầm mà có thể dùng sữa thì lưu ý bổ sung thêm vitamin nhóm B, calcium và sắt. Nếu ăn chay trường, chế độ ăn chỉ cho phép sử dụng rau và trái cây thì nên tránh lúc mang thai. Mình không phản đối hay ủng hộ tôn giáo nào, nhưng mình nghĩ, Đấng tối cao mà bạn đang tôn thờ chắc hẳn cũng vị tha và mến trẻ con, chắc Ngài cũng muốn trẻ chào đời khoẻ mạnh và an toàn.


Bạn đừng nghĩ có thể thay thế mọi dưỡng chất bằng viên đa sinh tố và khoáng chất (hay được gọi là thuốc bổ). Nếu sử dụng quá nhiều, quá liều, có thể gây hại cho thai. Ví dụ, sử dụng nhiều vitamin A, D có thể gây dị tật cho thai. Ngoài ra, quá liều các chất này có thể gây cạnh tranh nhau, chẳng hạn kẽm cạnh tranh với sắt trong quá trình hấp thu và gây thiếu sắt. Vì vậy, sai lầm nhất là sử dụng nhiều loại thuốc bổ mà không quan tâm thành phần, liều lượng của thuốc.
Ngoài lề chút xíu, nhưng cũng ít nhiều liên quan việc chay tịnh. Đó là một số chị nhất quyết không sử dụng thuốc mà hoàn toàn tin cậy vào thảo dược. Quan điểm của mình vẫn vậy, "cái gì quá đều không tốt". Thảo dược cũng có thể chứa nhiều chất gây hại cho cơ thể, không phải cứ thảo dược là sử dụng thoải mái đâu. 
P/s: Hình mình lấy trên trang Vegan outreach! Cũng không biết xin phép ở đâu luôn. Trên Pinterest cũng có nhiều công thức chay và ảnh món chay đẹp lắm.

MẤT NGỦ TRONG THAI KỲ

Có mẹ bầu nào đang bị mất ngủ hành hạ không? Chắc là mệt lắm, ban ngày căng thẳng, stress, lo đủ chuyện trời trăng mây nước, đêm nằm xuống chỉ muốn ngủ một giấc thật ngon. Vậy mà, cứ trằn trọc, rồi đi tiểu, rồi khát nước, rồi đau lưng, rồi bực mình cái ông bên cạnh cứ ngáy đều đều, đúng không?
Bạn nghĩ lại xem, bạn có rơi vào mấy tình trạng này không nha:
- Khó vào giấc ngủ
- Cứ phải thức giấc nhiều lần trong đêm.
- Đi vệ sinh xong không thể ngủ lại được
- Sáng thức dậy chẳng thấy khoẻ tí nào mà còn mệt mỏi hơn.
Tệ hơn nữa, giấc ngủ cứ chập chờn, mơ những giấc mơ kỳ lạ, sợ hãi.
Nếu có, bạn bớt sợ đi, bạn không phải trường hợp duy nhất, nan y khó chữa gì đâu. Bản thân mình cũng vậy nè, mà hồi mình có bầu đâu có ai ở không viết bài đăng fb cho mình đọc đâu. Đó, mình bi kịch hơn bạn là ở chỗ đó.

Ngủ không đủ giấc, khó ngủ khi có bầu có nhiều nguyên nhân lắm, đây:
- Cái bụng to nặng nề
- Đau lưng
- Ợ nóng, cảm giác đau rát ngực và họng.
- Mắc tiểu nhiều lần trong đêm.
- Lo lắng (mẹ Mỹ giống mẹ Việt chỗ này ha)
- Cứ nghĩ về đứa trẻ trong bụng
- Thay đổi nội tiết tố
V.v..kể đến 0h khuya nay chắc chưa hết.

Đi thẳng vào vấn đề, mình hiến kế cho bạn vài cách cải thiện giấc ngủ nha:
- Thiết lập giờ ngủ và tuân thủ ngủ đúng giờ, thức dậy đúng giờ.
- Thử nằm tư thế khác. Mẹ bầu nào cũng truyền tai nhau PHẢI NẰM NGHIÊNG TRÁI! Đúng, mình cũng biết nằm nghiêng trái giúp máu về tim tốt hơn, nhưng mà nằm đến tê tay chân, đau nhức toàn thân thì thôi chịu. Nằm kiểu gì mà bạn ngủ được là tốt nhất, vậy thôi.
- Trước khi đi ngủ tắm nước ấm, kiếm người rảnh rảnh massage (mát – xa) nhẹ nhàng.
- Phòng ngủ sạch sẽ, yên tĩnh, để máy lạnh nhiệt độ bạn thích, mở nhạc êm dịu, nhẹ nhàng. Phòng ngủ chỉ để ngủ, đừng mang ti vi, máy tính…vào phòng ngủ
- Tìm hiểu những kỹ thuật hít thở, thư giãn.
- Nằm hoài không ngủ được đừng cáu, ngồi dậy, đọc sách (mình sắp ra sách cho bạn đọc ấy), ăn nhẹ, uống một ít sữa ấm (một ít thôi nha).
- Ban ngày cố gắng vận động, đừng nằm một chỗ suốt ngày. Nếu được, tập thể dục 30 phút/ ngày với bài tập cho mẹ bầu.
- Giấc ngủ ngắn ban ngày cũng tốt, nhưng nếu khó ngủ buổi tối, bạn hãy giảm thời lượng ngủ ngày, đừng dậy quá muộn.
- Xem lại chế độ ăn uống ban ngày: trà (đặc biệt là trà xanh), cà phê, thức uống có caffein, chocolate…Nên hạn chế mấy thứ này buổi chiều tối.
- Uống đủ nước ban ngày, giảm lượng nước gần giờ đi ngủ.
Khi nào cần đi khám bác sĩ:
- Cứ buồn bã, lo lắng suốt ngày này qua ngày nọ
- Không tha thiết làm gì, cứ muốn nằm hoài một chỗ, và…khóc hoài.
- Ăn không được, hoặc ngược lại ăn quá nhiều
- Thấy bản thân quá tệ và vô dụng
- Suy nghĩ tiêu cực, cứ nghĩ chuyện xấu trong đầu, không thoát ra được.
- Bạn có tiền sử trào ngược dạ dày thực quản nên đi khám để bác sĩ điều trị
Quan trọng nhất đây, không có sách vở nào kêu bà bầu ngủ nhiều thiệt nhiều đâu nha. Người trưởng thành cần ngủ 7-9 giờ mỗi ngày. Nếu bạn ngủ trưa từ 11g đến 16 giờ thì ôi thôi, quá nửa thời lượng rồi đó.
Bạn tuyệt đối đừng tự mua thuốc uống. Chỉ có bác sĩ mới biết thuốc nào an toàn cho bạn và em bé, thị trường có nhiều loại thuốc trị mất ngủ và gây hại cho bé lắm, mình thành thật khuyên bạn đừng chủ quan.

BẠN BIẾT GÌ KHI NÓI VỀ HÚT THUỐC LÁ

Khi nói về tác hại của thuốc lá, hầu hết sẽ nghĩ là:
- Ung thư phổi
- Bệnh lý đường hô hấp
- Bệnh tim mạch
Nhưng, không chỉ vậy, hút thuốc lá còn liên quan:
- Nguy cơ sẩy thai
- Nguy cơ loãng xương
- Nguy cơ thai ngoài tử cung
- Nguy cơ vô sinh
- Nguy cơ mãn kinh sớm
Một tổ chức Y khoa lớn về y học sinh sản công bố hẳn cả một hướng dẫn thực hành lâm sàng về thuốc lá, họ nói rằng:
- Đủ bằng chứng cho thấy hút thuốc lá giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ sẩy thai, thai ngoài tử cung.
- Hút thuốc lá có thể làm mãn kinh sớm hơn 1-4 năm
- Ai hút thuốc lá, khi điều trị vô sinh sẽ giảm khả năng thành công hơn, cần gấp đôi số chu kỳ điều trị so với người không hút thuốc lá để có thai.
- Không hút thuốc nhưng ở gần người hút thuốc, hút thuốc thụ động cũng bị ảnh hưởng y như vậy.

(Trích dẫn hướng dẫn thực hành lâm sàng của ASRM 2018 về thuốc lá)

BÁC SĨ ƠI VỢ CHỒNG MONG CON THÌ ĂN UỐNG THẾ NÀO?

(dành cho người vợ - mai mốt viết dành cho chồng sau)

Câu hỏi bệnh nhân hay hỏi bác sĩ "bệnh này thì ăn gì/ kiêng ăn gì?". Mình cũng không hiểu sao bệnh nhân mình hay hỏi vậy. Đến giờ, mình vẫn quan niệm "ăn cân bằng, đừng quá nhiều một loại thực phẩm nào là ổn". Với sở thích trong ăn uống của mỗi người cũng khác nhau. Có người thích ăn miếng nhỏ mà đẹp; có người thích miếng thật to đậm đà...
Mấy thông tin này mình lượt dịch từ báo chính thống dành cho bác sĩ hiếm muộn đàng hoàng, vì thật lòng là mình cũng không quan trọng chuyện ăn uống lắm đâu. Mình làm cho bệnh nhân đang mong con mà suốt ngày cứ lo lắng chuyện ăn uống.

Nếu bạn đang mong con, nên đi khám hiếm muộn, cùng bác sĩ thảo luận những nguyên nhân có thể và tiến hành điều trị. Bên cạnh đó, bạn có thể chú ý những dưỡng chất sau đây:

  1. Acid folic: folate (dạng tự nhiên của vitamin B9) hoặc folic acid (dạng tổng hợp của vitamin B9), vì có khả năng:
    - GIảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ
    - Không gây hại
    - Rút ngắn thời gian thụ thai
    - Giảm những chu kỳ không phóng noãn
    Bạn có thể sử dụng viên uống bổ sung, rất dễ mua trên thị trường.
  2. Vitamin D: tác dụng: 
    - Thúc đẩy trưởng thành noãn
    - Giúp đỡ trong quá trình làm tổ của phôi.
    Bạn có thể sử dụng chế phẩm chứa vitamin D, rất nhiều loại trên thị trường. Nhớ hỏi ý kiến bác sĩ của bạn.
  3. Carbohydrates:
    Cả số lượng và chất lượng đều quan trọng trong cân bằng đường và insulin, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và chức năng của buồng trứng.
    Hiện tại người ta thấy rằng chế độ ăn giảm đường, tăng thực phẩm giàu chất xơ, ngũ côc nguyên hạt là có lợi cho sinh sản.
  4. Chất béo: hiện tại chưa rõ ràng.
  5. Protein: thịt, cá và các sản phẩm từ sữa
    Mấy loại này chưa đủ bằng chứng chứng minh chúng có lợi như thể nào, thịt đỏ hay trắng có lợi hơn nên cứ tuỳ thích, miễn sao cân bằng. Riêng đậu nành có nhiều bài báo nói có lợi, hoàn toàn không có hại cho phụ nữ mong con nên có thể chọn lựa. Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt nam mình lo ngại thực phẩm không sạch, báo chí nước ngoài cũng e ngại những thực phẩm ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên sinh sản.

6. Ăn kiêng: chế độ ăn kiêng được đề nghị là tăng tiêu thụ chất béo chưa bão hoà, nhiều rau, đa sinh tố, đạm thực vật, sữa giàu chất béo, chất sắt, giảm carbohydrates sẽ có lợi. Gần đây mình cũng thấy thích thú với thông tin chế độ ăn kiểu Địa trung hải (nhiều rau, trái cây, cá, gia cầm, ít béo và dầu olive) cũng tốt. Nếu ăn nhiều thức ăn nhanh, ít rau sẽ kéo dài thời gian có thai (ai cũng biết thức anh nhanh không tốt, mà ít ai nghĩ rằng ảnh hưởng luôn việc có thai)