TẠI SAO PHẢI KHÁM THAI GIAI ĐOẠN SỚM?

Khi bạn trễ kinh, khi nào thì nên đi khám thai? Có đúng là nên đợi thai “bám chắc chắc” rồi hẳn đi khám hay không?
Khi trễ kinh, bạn nên đi khám nếu chu kỳ kinh đều đặn và đang không ngừa thai hoặc sử dụng các biện pháp ngừa thai hiệu quả không cao như xuất tinh ngoài âm đạo hoặc tính ngày giao hợp. Bởi vì khám thai giai đoạn sớm có thể trả lời nhiều câu hỏi rất quan trọng như:
- Xác nhận chính xác là có thai hay không.
- Xác định tuổi thai, xem thai có hoạt động tim thai hay chưa (một dấu hiệu của sự sống).
- Bao nhiêu thai
- Phát hiện các bất thường có thể như thai ngoài tử cung, thai bám vị trí sẹo mổ lấy thai nếu bạn từng mổ lấy thai trước đó…
Không có dấu hiệu nào xác định thai đã bám chắc chắn. Nguyên tắc chính là khi thai càng lớn thì nguy cơ sẩy thai sẽ giảm.
 
Không nên siêu âm ngả âm đạo (hay bị gọi sai là siêu âm đầu dò) khi mới có thai, đúng hay không?
Không đúng. Bởi vì siêu âm ngả âm đạo quan sát thai khi thai còn nhỏ tốt hơn, giúp đánh giá vị trí thai, nhất là xác định thai đã có hoạt động tim thai hay chưa. Do đầu dò đặt trong âm đạo (còn thai nằm trong tử cung, trong bụng) nên không gây hại cho thai.
 
Khám thai giai đoạn sớm cần hỏi bác sĩ những gì?
- Thai có ở vị trí bình thường không?
- Có bao nhiêu thai?
- Ngày dự sinh (nếu tính được)
- Hiện tại có ghi nhận được dấu hiệu nào bất thường hay không?
- Khi nào siêu âm đo khoảng sáng sau gáy (còn gọi là độ mờ da gáy) và thực hiện các xét nghiệm tầm soát bất thường cho bé.
 
Vì sao mình viết bài này? Vì dịch bệnh lại bùng phát trở lại. Những điều rất đơn giản như đi khám thai định kỳ có thể trở nên khó khăn hơn ở những địa phương đang giãn cách xã hội hoặc bạn đang trong tình trạng phải cách ly. Hơn nữa, mùa dịch ở nhà dễ “vỡ kế hoạch”. Do vậy, bạn cần:
- Chú ý ngừa thai. Sử dụng các biện pháp ngừa thai hiệu quả.
- Nếu trễ kinh mà chưa đi khám được, nên theo dõi cẩn thận. Đi khám ngay nếu thấy đau bụng, ra huyết bất thường. Đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, nếu có thể nên liên lạc trước với bệnh viện hoặc phòng khám để hẹn giờ khám, hạn chế chờ đợi và tiếp xúc nhiều người.
 

Bạn Có Thể Quan Tâm

HẠN CHẾ VẬN ĐỘNG TRONG THAI KỲ

26/10/2022

Hạn chế vận động hay nằm nghỉ tại giường từng được hướng dẫn cho thai phụ như là một biện pháp điều trị, nhất là những trường hợp dọa sẩy thai, dọa sinh non, tăng huyết áp, nhau tiền đạo, đa thai v.v…

CHUYỆN THỬ THAI – QUE THỬ HAY XÉT NGHIỆM MÁU TỐT HƠN

30/08/2022

Để biết có thai có 3 cách chính: thử máu, thử que, hoặc đi siêu âm. Que thử thai tại nhà thì chắc ai cũng biết rồi, thử máu thì chắc các chị hiếm muộn rành hơn, còn siêu âm cũng không xa lạ gì. Nhưng mà không phải ai cũng hiểu đúng đâu nha. Giờ mình kiểm tra thử xem.

CHUYỆN NƯỚC ỐI

04/09/2022

Em bé nằm trong tử cung của mẹ, xung quanh là nước ối. Nước ối rất quan trọng cho sự sống và phát triển của thai nhi, tạo môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối. Ngoài ra nước ối còn giúp bảo vệ em bé nữa. Khi chuyển dạ hay sanh, nước ối giúp cho quá trình chuyển dạ thuận lợi hơn.