CHUYỆN NƯỚC ỐI

Em bé nằm trong tử cung của mẹ, xung quanh là nước ối. Nước ối rất quan trọng cho sự sống và phát triển của thai nhi, tạo môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối. Ngoài ra nước ối còn giúp bảo vệ em bé nữa. Khi chuyển dạ hay sanh, nước ối giúp cho quá trình chuyển dạ thuận lợi hơn.
 
Chính vì những chức năng quan trọng này, khi theo dõi thai, bác sĩ luôn quan tâm đến nước ối. Nếu đang có thai hoặc chuẩn bị có thai, bạn cần đọc mấy điều cơ bản này nè:
 
1. Nước ối không phải từ nước mẹ uống
Nước ối có thể tạo thành từ nhiều nguồn gốc, từ giữa thai kỳ trở đi, chủ yếu là từ thai. Mẹ uống nước thì…đi tiểu, nên khi bác sĩ nói ối ít đừng tự trách mình, rồi cứ ráng uống nước nhiều nhiều vô, chỉ tổ óc ách và đi tiểu liên tục thôi. Điều cơ bản khi chăm sóc bản thân dù có thai hay không vẫn là uống đủ nước, đủ có nghĩa là không thiếu không thừa. Vì vậy tạo thói quen uống đủ nước để mình khỏe trước cái đã.
 
2. Thiểu ối hay đa ối: chủ yếu đánh giá qua siêu âm. Thiểu ối khi chỉ số ối (AFI) <5 hoặc khoang ối lớn nhất (KOLN) <2. Đa ối khi AFI ≥24 hoặc KOLN ≥8.
Rồi, giờ bạn tự tin đọc kết quả siêu âm rồi đó. Đọc cho biết cái đã, chứ một ngày mà siêu âm 3 nơi cho 3 chỉ số AFI khác nhau cũng không khó hiểu mấy, quan trọng là biết AFI như vậy là bình thường. Chỉ số ối dao động qua những lần khám khác nhau cũng là bình thường, miễn là đừng có đa ối hay thiểu ối thôi, không nhất định phải là con số hằng định.
 
3. Thiểu ối hoặc đa ối có nguy hiểm không?

Ngoài chuyện ối ít do vỡ ối, thì nước ối ít kèm một số rủi ro em bé bị bất thường, thai suy dinh dưỡng. Nếu tình trạng thiểu ối xảy ra sớm ở 3 tháng giữa thai kỳ có thể làm cứng khớp do không cử động tốt, sự chèn ép làm em bé dễ bị suy v.v…

Ngược lại, nước ối quá nhiều cũng có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh, sanh non, mẹ tăng nguy cơ băng huyết sau sanh...

 

4. Làm gì khi ối không bình thường?
Hỏi bác sĩ về tình trạng thai, chắc chắn bác sĩ khám sẽ kiểm tra các nguyên nhân có thể gây nên tình trạng thiểu ối hay đa ối. Mặc dù không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân, nhưng khi tình trạng ối không bình thường, có thể phải khám thai thường xuyên hơn để đánh giá sức khỏe em bé. Chuẩn bị tinh thần em bé chào đời sớm hơn dự kiến.
 
5. Uống nước dừa có làm tăng nước ối không?
Mình chưa đọc được nghiên cứu hay tài liệu nào cho thấy nước dừa làm tăng nước ối hết. Vẫn là câu nói quen thuộc “cái gì quá là không tốt”, nếu có thích uống, thì uống mỗi ngày 1 trái cho vui cũng được, còn nước từ nước uống, sữa, súp, thực phẩm v.v…nữa.
 
6. Ngoài thể tích nước ối, bác sĩ còn quan tâm màu sắc nước ối, tuy nhiên, không có cách đánh giá màu sắc nước ối khi ối còn nguyên vẹn. Thỉnh thoảng bệnh nhân cũng hỏi “nước ối em trong hay đục” dù thai mới 11-12 tuần. Và cũng chỉ hỏi kiểu “trong nhờ đục chịu” chứ mình cũng bất lực.
 
Sáng nay có bạn cũ của mình, thai cũng 35-36 tuần, nghĩa là sắp sinh rồi, đi khám thai bảo rằng ối lần này còn 9, lần trước 13, và về dồn hết sức lực uống nước. Không biết ai chơi kỳ khuyên sáng thức dậy đừng ăn gì vội, uống ngay một chai to oạch, khó thở quá mới gọi cho mình. Sau một hồi tâm sự, bạn mới tạm yên vụ “cả ngày chỉ lo uống nước”! Quay lại đọc điều 1 đầu bài nha. Cả ngày uống nước – rồi đi xả, rồi uống, rồi xả - cuộc đời ướt át như tình đầu, mà tình đầu thường hay…nhiều sai lầm!!!!
 

Bạn Có Thể Quan Tâm

HẠN CHẾ VẬN ĐỘNG TRONG THAI KỲ

26/10/2022

Hạn chế vận động hay nằm nghỉ tại giường từng được hướng dẫn cho thai phụ như là một biện pháp điều trị, nhất là những trường hợp dọa sẩy thai, dọa sinh non, tăng huyết áp, nhau tiền đạo, đa thai v.v…

CHUYỆN THỬ THAI – QUE THỬ HAY XÉT NGHIỆM MÁU TỐT HƠN

30/08/2022

Để biết có thai có 3 cách chính: thử máu, thử que, hoặc đi siêu âm. Que thử thai tại nhà thì chắc ai cũng biết rồi, thử máu thì chắc các chị hiếm muộn rành hơn, còn siêu âm cũng không xa lạ gì. Nhưng mà không phải ai cũng hiểu đúng đâu nha. Giờ mình kiểm tra thử xem.