HẠN CHẾ VẬN ĐỘNG TRONG THAI KỲ

Hạn chế vận động hay nằm nghỉ tại giường từng được hướng dẫn cho thai phụ như là một biện pháp điều trị, nhất là những trường hợp dọa sẩy thai, dọa sinh non, tăng huyết áp, nhau tiền đạo, đa thai v.v… Tuy nhiên, có một sự thật là việc bất động, nằm tại chỗ không những không cải thiện kết cục của các trường hợp kể trên mà ngược lại có khi gây hại thêm.
 
Nói “nằm một chỗ” nghĩa là cứ nằm đó, ăn cũng nằm, thậm chí vệ sinh cá nhân cũng nằm luôn. Còn hạn chế vận động nghĩa là ngoài sinh hoạt cơ bản, ăn uống tắm rửa thì cũng nằm yên đó. Hoặc mơ hồ hơn là đi ít lại và đi nhẹ nhàng (dù không hề có con số đi mấy bước là ít, mấy bước là nhiều; bao nhiêu bước chân trong một phút là chậm, hay lực tác động lên mặt đất như thế nào là nhẹ - khoa học mà, cần rõ ràng vậy). Nên khi bệnh nhân hỏi “em có cần đi ít lại không?”, mình rất băn khoăn vì không biết nhắc chị đi bao nhiêu bước mỗi ngày.
 
❓Hạn chế vận động có thể gặp những nguy cơ nào?
- Teo cơ và loãng xương: nằm lâu có thể là cơ bắp lỏng lẻo, hoặc xương xóc yếu đi, không biết khi nào mới hồi phục khi vận động trở lại. Thêm chế độ bồi dưỡng một người ăn cho 2-3 người thì cơ và xương không thấy đâu, chỉ toàn mỡ là mỡ.
- Máu đông: những cục máu đông làm tắc mạch sâu, đau nhức khó chịu, hay nặng hơn, nguy hiểm hơn là tắc mạch phổi.
- Đái tháo đường thai kỳ: những mẹ bầu nằm yên một chỗ dễ bị đái tháo đường hơn những mẹ vận động khỏe mạnh. Thêm nữa là nằm một chỗ thèm chè thèm bánh liên tục thôi.
- Căng thẳng, lo âu: nằm một chỗ thì suy nghĩ, nghĩ chán rồi xem ti vi, điện thoại liên tục. Mà thông tin mạng xã hội thì đầy rẫy tin xấu, tiêu cực, tinh thần lại càng xuống dốc. Nếu không may đang gặp trục trặc gì trong thai kỳ, đọc một hồi thấy đời mình đầy bi kịch và điều xấu xa, cuộc đời này đầy rẫy nhưng điêu ngoa và dối trá. Chưa kể nằm hoài đêm mất ngủ, lại càng stress hơn.

⁉️Ít ra nằm một chỗ phải có lợi gì chứ?
Tiếc là không, hiện tại chưa thấy hạn chế vận động hay nằm yên tại chỗ giúp ích được cho trường hợp nào, kể cả ở bệnh viện hay ở nhà. Nghĩa là chưa có bệnh gì hay trường hợp nào trong khi mang thai cần nằm yên bất động. Ở Mỹ, ở Canada, ở Anh… đều khuyên vậy, ở Việt Nam khó khuyên hơn. Bác sĩ kêu vận động tại bác sĩ không biết con tôi quý, thai tôi yếu, cơ thể tôi yếu, đúng không?
Nói thiệt chớ nhiều bữa mình cũng không muốn bật dậy khỏi giường, trời lạnh lạnh này, muốn nằm yên cuộn tròn trong chăn. Nhưng mà ngặt nỗi nằm một hồi thì không có gì ăn nên phải đi làm, để lặp đi lặp lại với bệnh nhân “vận động, vận động nha” trong… tuyệt vọng!
 

KHÁM HIẾM MUỘN KHI BẠN Ở XA

Viết đi viết lại cả chục lần mà không xong cái tựa, ý là nếu nhà bạn quá xa bệnh viện, thậm chí đang sinh sống ở nước ngoài, thì bạn làm sao để ít mất thời gian nhất khi khám và điều trị hiếm muộn.

 

1. Nếu chưa từng khám và điều trị

Bạn có thể đi khám bất kỳ ngày nào. Thu xếp thời gian cho lần khám này, hỏi hết các chuyện đang vướng mắt. Hầu hết chỉ mất 1 buổi để thực hiện các xét nghiệm (trừ trường hợp cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu). Đừng nên tranh thủ cho lần khám này, như sẵn tiện đi đâu rồi ghé ngang. Như vậy bạn sẽ trong trạng thái vội vã, khi cần làm gì cũng đắn đo, cân nhắc, rất không tốt về cả chuyên môn và tâm lý. Tốt nhất là cả hai vợ chồng cùng đi khám. Đặc biệt là người vợ, không cần khám khi có kinh ngày 2 như trước.

2. Nếu bạn đã từng khám và điều trị hiếm muộn

Bạn nên mang theo tất cả các kết quả xét nghiệm và bản tóm tắt thông tin điều trị của lần trước. Càng có nhiều thông tin, càng rút ngắn thời gian đánh giá và có lợi cho lần điều trị sắp tới.
 
3. Tóm tắt quy trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm

Có nhiều phác đồ khác nhau, bác sĩ điều trị sẽ quyết định phác đồ thích hợp với bạn. Có thể không giống với người khác, nhưng bạn đừng hoang mang. Ngay cả ăn uống mà chúng ta còn khác nhau mà, người ăn cay người không, người ăn mặn - ăn nhạt, điều trị bệnh cũng vậy.

Thời gian tiêm thuốc đến lúc lấy trứng khoảng 12-14 ngày, cũng tùy người luôn.

Thuốc có thể tự tiêm, sợ thì đến cơ sở y tế tiêm.

Chuyển phôi ngay chu kỳ lấy trứng (gọi là chuyển phôi tươi) hay đợi chu kỳ sau (chuyển phôi trữ) => hãy hỏi bác sĩ của bạn.

 
4. Trong thời gian điều trị, người vợ đóng vai chính.
Người chồng chỉ cần có mặt ngày lấy trứng để lấy tinh trùng. Hoặc có thể trữ tinh trung trước vì một số lý do nào đó.
 
5. Một số lưu ý nhỏ nhỏ

Quy trình điều trị ở mỗi trung tâm khác nhau có thể khác nhau.

Trong thời gian khám và làm thụ tinh trong ống nghiệm, có thể tái khám mỗi 2-3 ngày, do đó có thể ảnh hưởng công việc chút đỉnh, nhưng vẫn ăn uống, đi đứng, sinh hoạt bình thường. Khi đó chỉ có điều đặc biệt duy nhất là bạn đang chuẩn bị làm mẹ. Bạn vẫn là bạn, là một người bình thường, không có bệnh tật chi hết, đừng nằm một chỗ, đời có bao nhiêu điều vui.

Stress: chắc chắn có. Vì bỗng nhiên phải tuân thủ bao nhiêu điều xa lạ, nào xét nghiệm, nào tiêm thuốc, nào tin giật gân ngoài xã hội, nào người này người kia thất bại rồi. Vậy phải làm sao? Nhắm mắt làm thôi chứ sao.

Chi phí: là con số không nhỏ với mặt bằng chung của nước mình, do đó phải chuẩn bị càng chu đáo càng tốt. Nên hỏi bác sĩ một câu rõ ràng "Cần chuẩn bị khoảng bao nhiêu tiền?", rồi nhân lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi dự phòng. Nếu may mắn thì tiền đó thưởng cho mình mua sắm đồ em bé thoải mái. Nếu bạn nói được câu "tiền bạc không thành vấn đề" thì chúc mừng, con đường sắp tới sẽ bớt mệt mỏi.

Đối diện thất bại: nếu đã cố gắng hết khả năng, mà vẫn không được, thì bạn vẫn là bạn, gia đình, tương lai, hạnh phúc, không vì không có con mà mất, trừ khi bạn cứ nói với mình như vậy.

Xét cho cùng, mình thấy việc điều trị hiếm muộn là câu chuyện của lòng tin. Bạn tin tưởng nơi bạn điều trị, bạn tin quyết định của mình là đúng (sẽ có rất nhiều lúc cần lựa chọn và ra quyết định trong quá trình điều trị đấy), bạn tin những gì bạn bỏ ra sẽ được đền đáp xứng đáng...thì mọi việc mới nhẹ hơn.
 
Không dưng sáng nay mình gặp một câu chuyện kết thúc không mấy happy của bệnh nhân. Rồi mình muốn viết cái gì đó, giúp ích cho ai đó, 1-2 người cũng được.
 
Trời xanh và nắng vàng ươm, tâm hồn mình đang bay tận Bhutan, hay Kyoto ????
 

CHUYỆN NƯỚC ỐI

Em bé nằm trong tử cung của mẹ, xung quanh là nước ối. Nước ối rất quan trọng cho sự sống và phát triển của thai nhi, tạo môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối. Ngoài ra nước ối còn giúp bảo vệ em bé nữa. Khi chuyển dạ hay sanh, nước ối giúp cho quá trình chuyển dạ thuận lợi hơn.
 
Chính vì những chức năng quan trọng này, khi theo dõi thai, bác sĩ luôn quan tâm đến nước ối. Nếu đang có thai hoặc chuẩn bị có thai, bạn cần đọc mấy điều cơ bản này nè:
 
1. Nước ối không phải từ nước mẹ uống
Nước ối có thể tạo thành từ nhiều nguồn gốc, từ giữa thai kỳ trở đi, chủ yếu là từ thai. Mẹ uống nước thì…đi tiểu, nên khi bác sĩ nói ối ít đừng tự trách mình, rồi cứ ráng uống nước nhiều nhiều vô, chỉ tổ óc ách và đi tiểu liên tục thôi. Điều cơ bản khi chăm sóc bản thân dù có thai hay không vẫn là uống đủ nước, đủ có nghĩa là không thiếu không thừa. Vì vậy tạo thói quen uống đủ nước để mình khỏe trước cái đã.
 
2. Thiểu ối hay đa ối: chủ yếu đánh giá qua siêu âm. Thiểu ối khi chỉ số ối (AFI) <5 hoặc khoang ối lớn nhất (KOLN) <2. Đa ối khi AFI ≥24 hoặc KOLN ≥8.
Rồi, giờ bạn tự tin đọc kết quả siêu âm rồi đó. Đọc cho biết cái đã, chứ một ngày mà siêu âm 3 nơi cho 3 chỉ số AFI khác nhau cũng không khó hiểu mấy, quan trọng là biết AFI như vậy là bình thường. Chỉ số ối dao động qua những lần khám khác nhau cũng là bình thường, miễn là đừng có đa ối hay thiểu ối thôi, không nhất định phải là con số hằng định.
 
3. Thiểu ối hoặc đa ối có nguy hiểm không?

Ngoài chuyện ối ít do vỡ ối, thì nước ối ít kèm một số rủi ro em bé bị bất thường, thai suy dinh dưỡng. Nếu tình trạng thiểu ối xảy ra sớm ở 3 tháng giữa thai kỳ có thể làm cứng khớp do không cử động tốt, sự chèn ép làm em bé dễ bị suy v.v…

Ngược lại, nước ối quá nhiều cũng có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh, sanh non, mẹ tăng nguy cơ băng huyết sau sanh...

 

4. Làm gì khi ối không bình thường?
Hỏi bác sĩ về tình trạng thai, chắc chắn bác sĩ khám sẽ kiểm tra các nguyên nhân có thể gây nên tình trạng thiểu ối hay đa ối. Mặc dù không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân, nhưng khi tình trạng ối không bình thường, có thể phải khám thai thường xuyên hơn để đánh giá sức khỏe em bé. Chuẩn bị tinh thần em bé chào đời sớm hơn dự kiến.
 
5. Uống nước dừa có làm tăng nước ối không?
Mình chưa đọc được nghiên cứu hay tài liệu nào cho thấy nước dừa làm tăng nước ối hết. Vẫn là câu nói quen thuộc “cái gì quá là không tốt”, nếu có thích uống, thì uống mỗi ngày 1 trái cho vui cũng được, còn nước từ nước uống, sữa, súp, thực phẩm v.v…nữa.
 
6. Ngoài thể tích nước ối, bác sĩ còn quan tâm màu sắc nước ối, tuy nhiên, không có cách đánh giá màu sắc nước ối khi ối còn nguyên vẹn. Thỉnh thoảng bệnh nhân cũng hỏi “nước ối em trong hay đục” dù thai mới 11-12 tuần. Và cũng chỉ hỏi kiểu “trong nhờ đục chịu” chứ mình cũng bất lực.
 
Sáng nay có bạn cũ của mình, thai cũng 35-36 tuần, nghĩa là sắp sinh rồi, đi khám thai bảo rằng ối lần này còn 9, lần trước 13, và về dồn hết sức lực uống nước. Không biết ai chơi kỳ khuyên sáng thức dậy đừng ăn gì vội, uống ngay một chai to oạch, khó thở quá mới gọi cho mình. Sau một hồi tâm sự, bạn mới tạm yên vụ “cả ngày chỉ lo uống nước”! Quay lại đọc điều 1 đầu bài nha. Cả ngày uống nước – rồi đi xả, rồi uống, rồi xả - cuộc đời ướt át như tình đầu, mà tình đầu thường hay…nhiều sai lầm!!!!
 

CHUYỆN THỬ THAI – QUE THỬ HAY XÉT NGHIỆM MÁU TỐT HƠN

Để biết có thai có 3 cách chính: thử máu, thử que, hoặc đi siêu âm. Que thử thai tại nhà thì chắc ai cũng biết rồi, thử máu thì chắc các chị hiếm muộn rành hơn, còn siêu âm cũng không xa lạ gì. Nhưng mà không phải ai cũng hiểu đúng đâu nha. Giờ mình kiểm tra thử xem.
 
1. Que hai vạch thì chắc chắn có bầu
Chưa chắc. Cơ chế của que thử thai là “bắt” hCG – tên một loại nội tiết tố tiết ra khi có thai. Tuy nhiên nhiều khi bắt nhầm, hoặc bạn đang sử dụng thuốc có hCG nên vẫn hiện lên 2 vạch mà không có bầu.
 
2. Que 1 vạch thì chắc chắn không có thai
Cũng chưa chắc luôn. Tài liệu nói rằng khi bạn trễ kinh và thật sự có thai ở chu kỳ đó, khi vừa trễ kinh 1 ngày mà test thì 90% sẽ dương tính, 10% còn lại chưa hiện ra vạch thứ 2. Khi trễ kinh 7 ngày thì 97% sẽ có kết quả dương tính nếu có thai. Nên có khi thử sớm quá, hoặc chưa đúng cách thì sẽ cho kết quả không đúng.
 
3. Vạch đậm hay nhạt chứng tỏ là thai khỏe hay không khỏe
Nếu thử đúng cách, que không trục trặc thì nồng độ hCG đạt ngưỡng nhất định là que đậm như nhau. Tuân thủ hướng dẫn sử dụng, nghĩa là đợi đủ thời gian, lượng nước tiểu đủ, sẽ hạn chế kết quả sai. Còn chuyện đậm nhạt để tiên lượng thai thì hoàn toàn không có cơ sở.
 
4. Xét nghiệm máu giúp xác định chắc chắn có thai
99,99% là đúng. Vì xét nghiệm máu là định lượng, biết chính xác nồng độ hCG trong máu là bao nhiêu. Trong một số trường hợp sẽ hỗ trợ chẩn đoán vị trí thai (thai ở trong hay ngoài tử cung), tình trạng thai trong giai đoạn sớm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của mức tăng giảm này. Đồn đại nhau nếu không tăng gấp đôi sau 48g là thai ngoài tử cung hay thai thoái triển không đúng lắm. Để đánh giá cần nhiều kiến thức và phối hợp nhiều “món” khác nhau.
Ngoài ra, hCG không giúp tiên lượng thai khỏe, thai bình thường. Ý nghĩa chính xác nhất có lẽ là có thai, chấm hết.
Sở dĩ mình nói chuyện này là vì có nhiều chị có thai (đặc biệt là thai sau thụ tinh trong ống nghiệm) cứ đi xét nghiệm liên tục, vừa tốn tiền, vừa bị lấy máu đau, vừa lo sợ không đâu. Khoảng dao động của nồng độ beta hCG trong cùng một tuổi thai rất lớn, chưa kể là thai TTTON có khi đa thai. Do vậy, bạn cần nhớ mấy điều:
- Cần ghi nhớ chính xác ngày kinh của mình. Không nhớ thì khoanh lịch, ghi chú trên điện thoại, sử dụng các app theo dõi chu kỳ.
- Khi đang không ngừa thai, hoặc áp dụng các biện pháp ngừa thai hiệu quả thấp (như xuất tinh ngoài âm đạo, tính ngày giao hợp) thì nên thử thai khi trễ kinh. Có thể đợi khoảng 1 tuần để đi khám nếu không có dấu hiệu bất thường, ví dụ như đau bụng hay ra huyết ít ít, kéo dài, tính chất khác máu kinh bình thường.
- Nếu đã siêu âm thấy túi thai trong tử cung mà chưa thấy phôi thai, tim thai thì cứ bình tĩnh tái khám theo lịch hẹn, không cần xét nghiệm máu liên tục để xem thai thế nào.
- Tiêm hCG không giúp ích gì.
- Thuốc tiêm, thuốc đặt, thuốc uống dưỡng thai không phải giúp thai khỏe. Combo tổng tấn công tiêm thuốc – đặt – uống – bất động chỉ làm tinh thần thêm khủng hoảng.
Những điều mình nói có thể khó chấp nhận, không sao, vì sự thật không phải lúc nào cũng dễ chấp nhận.
 

TIÊM NGỪA COVID-19 CHO PHỤ NỮ MANG THAI VÀ CHO CON BÚ

Hiện nay, các hiệp hội Y khoa trên thế giới (ACOG, RCOG, SMFM...) đều KHUYẾN CÁO nên tiêm ngừa COVID cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Giới Y khoa đều vui mừng khi dữ liệu về tác động có lợi khi tiêm vaccine cho nhóm đối tượng đặc biệt này ngày càng tích cực. Thông tin cũng nhiều rồi, mình nói thêm vài vấn đề liên quan để các bạn yên tâm hơn mà tiêm ngừa khi có thể.
 
1. Sau khi tiêm mà có thai thì tính sao?
Vẫn có thể giữ thai, theo dõi thai và tiêm tiếp mũi hai khi đến hẹn. Các dữ liệu hiện có cho thấy các loại vắc-xin hiện nay (Astra Zeneca, Pfizer, Moderna và Janssen) không gây tác động bất lợi nào trên thai kỳ, dù chưa có dữ liệu của Astra Zeneca trên thai.
 
2. Bà mẹ cho con bú có cần ngưng cho bú hay không?
Không cần, không có khuyến cáo ngưng cho con bú sau tiêm.
Tuy nhiên, mình hay hướng dẫn bệnh nhân vắt sữa trữ, phòng khi mẹ sốt, mệt mỏi, cần nghỉ ngơi thì em bé vẫn có sữa để bú. Phương pháp này không có trong tài liệu, tuy nhiên các bà mẹ sẽ thấy an tâm hơn. Tâm lý trị liệu nhiều khi quan trọng, bởi các bà mẹ xem việc bú tí quan trọng hơn nghiên cứu này nọ ????
 
3. Thai phụ nên tiêm vào thời điểm nào?
Thời điểm nào có cơ hội tiêm thì tiêm ngay.
Do các nghiên cứu về thuốc, vaccine sẽ loại đối tượng mang thai và cho con bú nên dữ liệu trên nhóm đối tượng này ít hơn và chậm hơn nhóm không có thai. Tuy nhiên, đến nay, hiệu quả bảo vệ có vẻ tương đương ở hai nhóm.
Bạn có thể tìm fb của BS Dang Quang Vinh đọc thêm bài chi tiết về tiêm phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Nguồn thông tin từ BS Vinh là thông tin chính thống, tại vì đây là boss của mình ????
 

TẠI SAO PHẢI KHÁM THAI GIAI ĐOẠN SỚM?

Khi bạn trễ kinh, khi nào thì nên đi khám thai? Có đúng là nên đợi thai “bám chắc chắc” rồi hẳn đi khám hay không?
Khi trễ kinh, bạn nên đi khám nếu chu kỳ kinh đều đặn và đang không ngừa thai hoặc sử dụng các biện pháp ngừa thai hiệu quả không cao như xuất tinh ngoài âm đạo hoặc tính ngày giao hợp. Bởi vì khám thai giai đoạn sớm có thể trả lời nhiều câu hỏi rất quan trọng như:
- Xác nhận chính xác là có thai hay không.
- Xác định tuổi thai, xem thai có hoạt động tim thai hay chưa (một dấu hiệu của sự sống).
- Bao nhiêu thai
- Phát hiện các bất thường có thể như thai ngoài tử cung, thai bám vị trí sẹo mổ lấy thai nếu bạn từng mổ lấy thai trước đó…
Không có dấu hiệu nào xác định thai đã bám chắc chắn. Nguyên tắc chính là khi thai càng lớn thì nguy cơ sẩy thai sẽ giảm.
 
Không nên siêu âm ngả âm đạo (hay bị gọi sai là siêu âm đầu dò) khi mới có thai, đúng hay không?
Không đúng. Bởi vì siêu âm ngả âm đạo quan sát thai khi thai còn nhỏ tốt hơn, giúp đánh giá vị trí thai, nhất là xác định thai đã có hoạt động tim thai hay chưa. Do đầu dò đặt trong âm đạo (còn thai nằm trong tử cung, trong bụng) nên không gây hại cho thai.
 
Khám thai giai đoạn sớm cần hỏi bác sĩ những gì?
- Thai có ở vị trí bình thường không?
- Có bao nhiêu thai?
- Ngày dự sinh (nếu tính được)
- Hiện tại có ghi nhận được dấu hiệu nào bất thường hay không?
- Khi nào siêu âm đo khoảng sáng sau gáy (còn gọi là độ mờ da gáy) và thực hiện các xét nghiệm tầm soát bất thường cho bé.
 
Vì sao mình viết bài này? Vì dịch bệnh lại bùng phát trở lại. Những điều rất đơn giản như đi khám thai định kỳ có thể trở nên khó khăn hơn ở những địa phương đang giãn cách xã hội hoặc bạn đang trong tình trạng phải cách ly. Hơn nữa, mùa dịch ở nhà dễ “vỡ kế hoạch”. Do vậy, bạn cần:
- Chú ý ngừa thai. Sử dụng các biện pháp ngừa thai hiệu quả.
- Nếu trễ kinh mà chưa đi khám được, nên theo dõi cẩn thận. Đi khám ngay nếu thấy đau bụng, ra huyết bất thường. Đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, nếu có thể nên liên lạc trước với bệnh viện hoặc phòng khám để hẹn giờ khám, hạn chế chờ đợi và tiếp xúc nhiều người.
 

TRẦM CẢM TRONG THAI KỲ

Sáng nay nhìn trời vần vũ chuyển mưa, tự nhiên thốt lên câu "chắc trầm cảm mất thôi" – một mình.
Vậy là tìm đọc bài này. Vì mình chợt nghĩ, thời gian này, mấy Mẹ bầu chắc còn dễ lo lắng, sợ hãi hơn.
Khi có một nỗi buồn, lo lắng, sợ hãi nào đó đeo bám bạn, làm ảnh hưởng suy nghĩ, tâm trạng, thói quen và hoạt động của bạn, hãy chú ý, coi chừng “trầm cảm ghé thăm”.
 
Có nhiều mẹ bầu bị trầm cảm khi có thai không?
Người ta thống kê cứ 10 người mang thai thì có một người bị trầm cảm trong thai kỳ (mùa dịch chắc nhiều hơn, hẳn rồi). Thường thì những bà mẹ có thai lần đầu, thai ngoài ý muốn hoặc từng có biến cố trong những lần mang thai trước sẽ dễ bị hơn.
Nếu mẹ trải qua chuyện không vui như mất đi người thân, hôn nhân không bình yên, đột ngột phải sống xa người thân…thì nhiều khi chưa đến mức trầm cảm nhưng sẽ stress, lo âu nhiều hơn. Nếu thật vậy cũng nên tìm người để trút hết tâm tư trong lòng cho bớt buồn.
 
Làm sao nhận biết mình có đang trầm cảm hay không?
Hãy tự quan sát mình trong khoảng thời gian 2 tuần gần đây mình có mấy dấu hiệu này không:
- Gần như ngày nào cũng tuột “mood”, hay là thấy buồn bã.
- Không thấy hứng thú với công việc hay các hoạt động thường nhật.
- Luôn cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng, hay cảm thấy có lỗi.
- Ngủ nhiều hơn bình thường, hoặc mất ngủ, không ngủ được.
- Ăn không ngon, sụt cân, hoặc ngược lại là ăn nhiều, ăn liên tục và tăng cân nhanh.
- Cảm thấy mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng
- Khó tập trung, khó ra quyết định.
- Luôn bồn chồn, hoặc chậm chạp
- Nghĩ đến cái chết, muốn tự tử (mức này là nặng rồi đó). Nếu có nghĩ đến điều này, lập tức đi khám, hoặc kể cho người mình yêu thương, tin tưởng nhất (chồng, mẹ, bạn thân, chị em gái).
 
Trầm cảm khi mang thai có điều trị được không?
Được, bác sĩ có chuyên môn sẽ tư vấn, tháo gỡ những gút mắc trong lòng bạn, hoặc cho bạn uống thuốc chống trầm cảm nếu cần.
Nếu không điều trị sẽ dẫn đến nhiều hậu quả, chẳng hạn: sinh non, thai không phát triển tốt, sau khi chào đời em bé có khuynh hướng khóc nhiều hơn, và nhiều vấn đề nữa khi em bé lớn lên. Trước mắt, sau khi sinh con, bạn lại dễ bị trầm cảm sau sinh nữa.
Mang thai là điều hạnh phúc của phần lớn các bà mẹ, nhưng cũng là “gánh nặng” với một số ít trường hợp khác. Dẫu gì đi nữa, thì em bé trong bụng không có lỗi lầm gì, hãy thương em bé mà cố gắng. Mẹ mà, không thương con thì ai thương bây giờ.
 

FOLATE VÀ ACID FOLIC TRONG THAI KỲ

Folate và anh em của nó là acid folic rất quan trọng trong thai kỳ, bởi vì có khả năng dự phòng dị tật ống thần kinh (não và cột sống) cho trẻ. Hầu hết các khuyến cáo hiện nay đều khuyên mẹ bầu cần bổ sung acid folic trước khi mang thai, đặc biệt là những trường hợp có tiền căn thai bị dị tật ống thần kinh. Ngoài khả năng kể trên, việc bổ sung đầy đủ có thể giúp hạn chế một số bất thường khác ở tim, sứt môi v.v…
 
1. Folate và acid folic khác nhau thế nào?
Folate là dạng vitamin B9 tự nhiên, có trong thực phẩm. Acid folic là dạng tổng hợp, bổ sung trong thực phẩm hoặc các viên vitamin tổng hợp
 
2. Mình cần bao nhiêu mỗi ngày?
Người trưởng thành cần khoảng 400 mcg mối ngày, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang có thai cần 400 – 1000 mcg mỗi ngày.
 
3. Ngoài viên uống bổ sung, mình có thể ăn những loại thức ăn nào để tăng cường thêm folate?
Folate có nhiều trong các loại rau lá xanh đậm, bông cải xanh, rau bina, các loại đậu, ngũ cốc. Trong trái cây thì có cam, chanh, chuối, dâu tây….
 

BỔ SUNG CALCIUM (CAN-XI) TRONG THAI KỲ

Việc đủ calcium trong khi có thai không chỉ là "bổ xương", giúp con cao lớn như các mẹ bầu hay nghĩ, mà rất quan trọng cho nhiều hệ cơ quan khác, như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn.
Phụ nữ mang thai và cho con bú cần khoảng 1000mg calcium mỗi ngày. Đừng nghĩ ngay đến thuốc, mình có thể bổ sung calcium qua các nguồn thực phẩm sau đây:
- Rau quả: bông cải xanh, cải kale (cải xoăn), quả sung (khô), cam...
- Sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai các loại.
- Cá hồi, tôm.
- Đậu trắng, đậu đỏ, đậu gà.
Quan trọng nè, nhớ tiếp xúc ánh nắng nha.
 

Ở CỮ

Bà Ngoại U90, cứ thấy con cháu về thăm là hối thúc chuyện lấy chồng hoặc đẻ con. Quanh quẩn một hồi bà truyền lại kinh nghiệm “ở cữ”, dù gì bà cũng trải qua đến 9 lần.
Sau sanh con, đúng 100 ngày ở trong phòng tối, không tắm rửa, tha nghệ đầy mặt, đầy mình. Tới bữa ăn, bà Cố ngoại mang cho cơm với món cá kho khô thiệt là mặn. Bà biểu ăn canh mai mốt “ngồi đâu đái đó” (xin lỗi, trích nguyên văn). Ăn xong lấy giấy điếu lau miệng, lau răng.
Ông Ngoại đi làm xa, lâu lâu ghé về thăm, vô cái phòng tối om, than nóng hầm hập, vén màn nhìn vợ mình chẳng khác nào....con ma. Tóc tai dài rũ rượi, mặt nổi đầy mụn, toàn thân vàng khè nghệ. Ông theo Tây học, kêu ra ngoài tắm rửa, súc miệng cho sạch, mở cửa cho nắng gió vào. Rồi ông đi tiếp, quy trình quay lại như cũ. Vậy mà mấy đứa con Ngoại, có cả mẹ mình, lớn lên khoẻ mạnh. Ngoại bây giờ vẫn minh mẫn, da hồng hào, hay cười móm mém.
 
Hồi lâu, có dịp ghé thăm người chị bà con xa. Chị sanh được non tháng, đang chờ bà Ngoại nấu nồi nước lá xông hơi, lau mình. Hai tai chị nhét bông gòn, nhìn hơi xanh xao. Ngồi chừng mươi phút, chị vô phòng để dằn muối. Ra về mình cứ ong ong mấy câu hỏi trong đầu. Hồi mình sanh (mổ) chưa đầy 24 tiếng là mình ngồi dậy đi tắm, tự gội đầu dù hơi khó khăn. Giờ mỗi lần lên cơn đau nửa đầu, mẹ mình lại thầm thì “đó, hồi đó gội đầu sớm quá”.
Phải chừng 5-7 năm trước, mình sẽ la làng lên, rằng không nhét gòn, không xông hơ gì hết, ba cái đó không khoa học. Nhưng đến giờ, chắc chỉ cười trừ.
Chuyện không nằm than thì rõ rồi vì độc hại, nguy hiểm. Chắc tại hồi xưa nhà tranh gió lùa, thêm sau sanh mất máu làm sản phụ hay lạnh, chút xíu than sưởi ấm thấy khoẻ hơn nên thành ra thông lệ. Miền Nam nắng ấm quanh năm còn đỡ, chớ mùa rét miền Bắc lạnh thấu xương. Nhưng bây giờ nhà cửa đàng hoàng, phòng kín gió lùa, tục lệ cũ chắc dần sẽ xoá được.
Ăn uống nên bớt khắt khe, miễn người mẹ ngon miệng, no đủ. Dù đồ ăn ngon cách mấy, mà bực bội, mệt mỏi cũng ăn không vô. Để người mẹ thoải mái, thèm ăn thì ăn, ăn no thì nghỉ, không thúc ép, ăn cho khoẻ bản thân trước. Mẹ khoẻ thì con khoẻ thôi.
Tắm gội kỹ càng, ai mà vui được khi cơ thể hôi hám, xấu xí. Tắm xong lau khô, sấy tóc cho sạch sẽ thơm tho, tâm trạng cũng tốt hơn.
 
Mấy chuyện ở cữ không biết đúng sai ở đâu, nhưng tự dưng đến giai đoạn thấy không phải chuyện gì cũng phân định sai đúng được. Nếu cảm nhận bản thân thoải mái, không đụng chạm gì ai thì bớt cảm giác thấy có lỗi lại. Không cần phải mặc cảm tội lỗi khi mình làm chưa tốt theo chuẩn mực người khác. Giai đoạn hậu sản, chỉ cần bạn nhắc mình mỗi ngày “thời gian này mình chỉ có 2 việc cần làm, lo cho bản thân và lo cho con, hết”. Lo cho bản thân theo kiểu bạn muốn, không áp lực tốt xấu, không chị A dì B bà C kêu biểu.