KHÁM HIẾM MUỘN KHI BẠN Ở XA

Viết đi viết lại cả chục lần mà không xong cái tựa, ý là nếu nhà bạn quá xa bệnh viện, thậm chí đang sinh sống ở nước ngoài, thì bạn làm sao để ít mất thời gian nhất khi khám và điều trị hiếm muộn.

 

1. Nếu chưa từng khám và điều trị

Bạn có thể đi khám bất kỳ ngày nào. Thu xếp thời gian cho lần khám này, hỏi hết các chuyện đang vướng mắt. Hầu hết chỉ mất 1 buổi để thực hiện các xét nghiệm (trừ trường hợp cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu). Đừng nên tranh thủ cho lần khám này, như sẵn tiện đi đâu rồi ghé ngang. Như vậy bạn sẽ trong trạng thái vội vã, khi cần làm gì cũng đắn đo, cân nhắc, rất không tốt về cả chuyên môn và tâm lý. Tốt nhất là cả hai vợ chồng cùng đi khám. Đặc biệt là người vợ, không cần khám khi có kinh ngày 2 như trước.

2. Nếu bạn đã từng khám và điều trị hiếm muộn

Bạn nên mang theo tất cả các kết quả xét nghiệm và bản tóm tắt thông tin điều trị của lần trước. Càng có nhiều thông tin, càng rút ngắn thời gian đánh giá và có lợi cho lần điều trị sắp tới.
 
3. Tóm tắt quy trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm

Có nhiều phác đồ khác nhau, bác sĩ điều trị sẽ quyết định phác đồ thích hợp với bạn. Có thể không giống với người khác, nhưng bạn đừng hoang mang. Ngay cả ăn uống mà chúng ta còn khác nhau mà, người ăn cay người không, người ăn mặn - ăn nhạt, điều trị bệnh cũng vậy.

Thời gian tiêm thuốc đến lúc lấy trứng khoảng 12-14 ngày, cũng tùy người luôn.

Thuốc có thể tự tiêm, sợ thì đến cơ sở y tế tiêm.

Chuyển phôi ngay chu kỳ lấy trứng (gọi là chuyển phôi tươi) hay đợi chu kỳ sau (chuyển phôi trữ) => hãy hỏi bác sĩ của bạn.

 
4. Trong thời gian điều trị, người vợ đóng vai chính.
Người chồng chỉ cần có mặt ngày lấy trứng để lấy tinh trùng. Hoặc có thể trữ tinh trung trước vì một số lý do nào đó.
 
5. Một số lưu ý nhỏ nhỏ

Quy trình điều trị ở mỗi trung tâm khác nhau có thể khác nhau.

Trong thời gian khám và làm thụ tinh trong ống nghiệm, có thể tái khám mỗi 2-3 ngày, do đó có thể ảnh hưởng công việc chút đỉnh, nhưng vẫn ăn uống, đi đứng, sinh hoạt bình thường. Khi đó chỉ có điều đặc biệt duy nhất là bạn đang chuẩn bị làm mẹ. Bạn vẫn là bạn, là một người bình thường, không có bệnh tật chi hết, đừng nằm một chỗ, đời có bao nhiêu điều vui.

Stress: chắc chắn có. Vì bỗng nhiên phải tuân thủ bao nhiêu điều xa lạ, nào xét nghiệm, nào tiêm thuốc, nào tin giật gân ngoài xã hội, nào người này người kia thất bại rồi. Vậy phải làm sao? Nhắm mắt làm thôi chứ sao.

Chi phí: là con số không nhỏ với mặt bằng chung của nước mình, do đó phải chuẩn bị càng chu đáo càng tốt. Nên hỏi bác sĩ một câu rõ ràng "Cần chuẩn bị khoảng bao nhiêu tiền?", rồi nhân lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi dự phòng. Nếu may mắn thì tiền đó thưởng cho mình mua sắm đồ em bé thoải mái. Nếu bạn nói được câu "tiền bạc không thành vấn đề" thì chúc mừng, con đường sắp tới sẽ bớt mệt mỏi.

Đối diện thất bại: nếu đã cố gắng hết khả năng, mà vẫn không được, thì bạn vẫn là bạn, gia đình, tương lai, hạnh phúc, không vì không có con mà mất, trừ khi bạn cứ nói với mình như vậy.

Xét cho cùng, mình thấy việc điều trị hiếm muộn là câu chuyện của lòng tin. Bạn tin tưởng nơi bạn điều trị, bạn tin quyết định của mình là đúng (sẽ có rất nhiều lúc cần lựa chọn và ra quyết định trong quá trình điều trị đấy), bạn tin những gì bạn bỏ ra sẽ được đền đáp xứng đáng...thì mọi việc mới nhẹ hơn.
 
Không dưng sáng nay mình gặp một câu chuyện kết thúc không mấy happy của bệnh nhân. Rồi mình muốn viết cái gì đó, giúp ích cho ai đó, 1-2 người cũng được.
 
Trời xanh và nắng vàng ươm, tâm hồn mình đang bay tận Bhutan, hay Kyoto ????
 

Bạn Có Thể Quan Tâm

CON ƠI, BA MẸ VẪN CHỜ

11/06/2020

Hiếm muộn là một câu chuyện không đơn giản. Ngoài việc chấp nhận đó là một vấn đề thuộc sức khoẻ, bệnh nhân hiếm muộn phải đối diện với vô vàn điều khó khăn khác. Cảm giác lo lắng, tức giận, buồn, mặc cảm, sợ hãi; thất vọng khi thất bại…tất cả những điều đó không phải ai cũng có thể chấp nhận, hoặc có thể dễ dàng chia sẻ với người thân, bạn bè.