U XƠ CƠ TỬ CUNG VÀ THAI KỲ

U xơ cơ tử cung (còn được gọi là u xơ, nhân xơ v.v…) là bệnh phụ khoa lành tính, rất rất rất ít khi hoá ác. Nếu kích thước nhỏ, không gây rong kinh rong huyết hoặc không đang mong con, chỉ cần theo dõi định kỳ. Nhiều trường hợp phát hiện UXCTC tình cờ khi khám phụ khoa hoặc siêu âm, điều đó nghĩa là UXCTC có thể hoàn toàn không gây triệu chứng. Tuy nhiên, UXCTC cũng có thể gây ra huyết âm đạo bất thường, đau bụng, thiếu máu, hoặc ít gặp hơn là hiếm muộn, sẩy thai nhiều lần v.v…

 

Nếu có u xơ cơ tử cung và đang có thai thì có sao không?

  • Có thể có, ít nhất là bạn sẽ lo lắng nhiều hơn, lo u xơ chèn ép em bé không lớn được, lo u xơ đẩy em bé ra ngoài nhưng mà…bình tĩnh lại, không có đáng sợ vậy đâu. Ảnh hưởng của UXCTC cho thai không phải luôn luôn, bạn vẫn có thể chung sống hoà bình với khối UXCTC và em bé vẫn an toàn. Việc bạn cần làm là theo dõi thai kỳ đầy đủ, không cần nằm bất động, vẫn có thể ăn uống như bình thường.

 

  • Tuy nhiên UXCTC thật sự có thể gây ảnh hưởng đến thai. Ảnh hưởng của UXCTC phụ thuộc nhiều yếu tố, như số lượng UXCTC, vị trí của UXCTC trên tử cung, kích thước khối UXCTC. Một số nguy cơ tăng lên khi có UXCTC trong thai kỳ là sinh non, ngôi thai bất thường – đồng nghĩa với việc tăng khả năng mổ lấy thai, em bé có thể nhẹ cân hơn so với những trường hợp không có UXCTC.

 

  • Khi mang UXCTC có thể gia tăng kích thước so với trước khi mang thai. Tuy nhiên việc đánh giá kích thước UXCTC khi siêu âm không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là trường hợp UXCTC năm ở mặt sau tử cung hoặc có nhiều khối trên tử cung, không đo đạc được hết. Nhiều chị cứ nằng nặc đòi đo UXCTC, xong rồi so sánh, rồi buồn rầu, khóc lóc. Biết đâu mai mốt người ta nghiên cứu được nếu khóc khi mang thai u xơ càng to nhanh thì sao?

 

  • Ngoài ra, có khoảng 5-15% bà mẹ mang thai có thể bị đau bụng khi có UXCTC, tuy nhiên cần khám bác sĩ để được đánh giá nguyên nhân có thể và chỉ định thuốc giảm đau thích hợp, an toàn.

 

Nếu đã được phẫu thuật bóc UXCTC trước khi mang thai, bạn tuyệt đối cần khám thai định kỳ đầy đủ. Đối với trường hợp này có thêm nguy cơ nữa là vỡ hoặc nứt tử cung. Tuỳ trường hợp mà bác sĩ sẽ hướng dẫn theo dõi thai và tư vấn thời điểm chấm dứt thai kỳ thích hợp. Bạn chỉ cần chuẩn bị tinh thần có thể em bé sẽ chào đời sớm hơn dự định, vậy thôi.

 

Bạn Có Thể Quan Tâm

HẠN CHẾ VẬN ĐỘNG TRONG THAI KỲ

26/10/2022

Hạn chế vận động hay nằm nghỉ tại giường từng được hướng dẫn cho thai phụ như là một biện pháp điều trị, nhất là những trường hợp dọa sẩy thai, dọa sinh non, tăng huyết áp, nhau tiền đạo, đa thai v.v…

CHUYỆN THỬ THAI – QUE THỬ HAY XÉT NGHIỆM MÁU TỐT HƠN

30/08/2022

Để biết có thai có 3 cách chính: thử máu, thử que, hoặc đi siêu âm. Que thử thai tại nhà thì chắc ai cũng biết rồi, thử máu thì chắc các chị hiếm muộn rành hơn, còn siêu âm cũng không xa lạ gì. Nhưng mà không phải ai cũng hiểu đúng đâu nha. Giờ mình kiểm tra thử xem.

CHUYỆN NƯỚC ỐI

04/09/2022

Em bé nằm trong tử cung của mẹ, xung quanh là nước ối. Nước ối rất quan trọng cho sự sống và phát triển của thai nhi, tạo môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối. Ngoài ra nước ối còn giúp bảo vệ em bé nữa. Khi chuyển dạ hay sanh, nước ối giúp cho quá trình chuyển dạ thuận lợi hơn.