Mấy chuyện này không hiếm ở những bà mẹ có thai lần đầu hay có thai sau điều trị hiếm muộn. Nhẹ nhẹ thì vui buồn thất thường, mới cười đó không dưng lòng buồn rười rượi; khóc cho nỗi buồn của cô gái thất tình trên…tivi, hay giận hờn anh chồng hôm nay quên mua đồ ăn mình đang muốn ăn?!? Không đáng lo nếu buồn vu vơ vậy đôi ba phút. Nhưng nếu buồn hơn 20 giờ mỗi ngày, kéo dài khoảng 2 tuần thì không còn là chuyện nhỏ.
Hãy tự hỏi mình có mấy dấu hiệu sau đây không:
- Buồn suốt ngày, gần như ngày nào cũng buồn lo, rầu rĩ không nguyên do rõ ràng.
- Không thấy hứng thú hoạt động, làm việc- Cảm thấy vô vọng, mất phương hướng, bản thân vô dụng
- Ngủ nhiều hơn bình thường hay mất ngủ về đêm
- Ăn không ngon, sụt cân (hoặc trạng thái ngược lại là ăn quá nhiều và tăng cân nhanh)
- Cảm thấy luôn mệt mỏi, hết năng lượng
- Không thể tập trung, không thể quyết định việc gì
Khi có mấy dấu hiệu này, bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị. Chẳng may để trầm cảm kéo dài, bạn ăn, ngủ không đủ thôi thì đã ảnh hưởng chính bạn và bé rồi, chưa bàn đến những chuyện sâu xa khác. Vì vậy, thôi đừng giấu nỗi buồn lặng lẽ, ăn “sầu riêng”, hãy nhắn nhủ người thân rằng bạn cần sự chăm sóc và an ủi. Nếu thuộc dạng người dễ xúc động và hay suy nghĩ, bạn cần thận trọng lưu ý cảm xúc của mình khi có thai. Mẹ vui, hạnh phúc thì con mới khoẻ đẹp, thông minh.
Áp dụng thêm một vài cách sau đây nếu thấy stress bắt đầu tấn công bạn:
- Việc nhà không làm một hôm cũng không sao, nếu “ngán” quá, cứ để đống chăn bừa bộn một chút, ra ngoài ăn uống hay đi xem phim, nghe nhạc.
- Xin nghỉ phép, tạm dừng công việc nếu có thể. Dành nửa buổi chiều ở nhà, đi dạo hoặc làm bất cứ điều gì khiến mình thư giãn.
- Đi tập thể thao, massage, hay Yoga (bạn cần đến những nơi có huấn luyện viên hướng dẫn, nếu không “nỗi buồn tinh thần” dễ biến thành “nỗi đau thể chất” nếu tập không đúng cách)
- Ngủ sớm hơn thường lệ, sau một bữa ăn ngon theo ý bạn.