Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời….
Câu hát này chắc nhiều bà Mẹ biết, vì đúng tâm trạng của Mẹ, mang thai chỉ có ngóng, trông, mong, đợi …ngày dự sanh.
- Ngày dự sanh là gì?
Là ngày ước đoán thai nhi được khoảng 40 tuần tuổi – không nhất định đó phải là ngày bé chào đời mới gọi là bình thường. Chỉ có khoảng 1/20 bà mẹ sanh đúng ngày này thôi, còn lại, có thể sớm hơn hay trễ hơn trong vòng 1-2 tuần.
Mỗi em bé chỉ có 1 ngày dự sanh, được tính vào 3 tháng đầu thai kỳ. Mẹ cần nhớ ngày này thật kỹ (không dặn chắc cũng nhớ - ngày quan trọng quá mà)
Nếu khám nhiều nơi, nhiều lần khác nhau, bác sĩ cho ngày dự sanh khác nhau, bạn tìm một nơi khám thai đáng tin cậy, nhờ bác sĩ xem lại, chọn 1 ngày dự sanh nhất định dựa trên các kết quả (thường là siêu âm) hiện có.
- Các cách tính ngày dự sanh
Dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, cách tính:
+ Ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối (ngày bắt đầu hành kinh)
+ Cộng thêm 7 ngày
+ Tháng trừ lại 3
Sinh viên Y có câu thần chú “ngày cộng 7, tháng trừ 3, năm cộng 1”
Theo cách này, tuổi thai được tính bắt đầu trước khi có thật sự. Nhưng vì không ai có thể biết chính xác ngày rụng trứng, thời điểm thụ thai, chỉ có ngày ra kinh là thông tin chính xác, nên Y học chọn ngày này. Cách này áp dụng cho những chị có chu kỳ kinh đều – 28 ngày, nhớ đúng ngày bắt đầu hành kinh. Không áp dụng cho chu kỳ kinh không đều, nhớ nhớ quên quên ngày ra kinh.
- Dựa vào siêu âm 3 tháng đầu thai kỳ: Bác sĩ siêu âm đo đạc em bé, ước đoán hiện tại bao nhiêu tuần và tính ngày tròn 40 tuần làm ngày dự sanh.
- Đối với thai sau hỗ trợ sinh sản, việc tính tuổi thai sẽ dựa vào ngày chọc hút trứng, ngày chuyển phôi hay ngày bơm tinh trùng.
Hiện nay, có rất nhiều phần mềm, app, web giúp bạn tính ngày dự sanh một cách thuận tiện. Bạn chỉ cần nhập vào đó ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng (hoặc tuổi thai và ngày siêu âm) sẽ biết được ngày dự sanh, tuổi thai hiện tại, không cần ngồi đong đếm cộng trừ.