CÁC XÉT NGHIỆM CẦN THỰC HIỆN TRONG THAI KỲ

Xét nghiệm là một phần quan trọng của việc theo dõi thai kỳ. Mình ngại nhất là gặp các bà mẹ ở hai thái cực trái ngược, một là, “xét nghiệm hết cho em, có gì em xét đó, dư cũng được”; hai là “dạ thôi, con em có sao em cũng giữ, không cần xét nghiệm đâu”.

1. MANG THAI XÉT NGHIỆM MÁU CÓ SAO KHÔNG?

Rất có sao, những ngôi sao chỉ đường cho bạn hướng cần đi, để tầm soát và chẩn đoán những bất thường của hai mẹ con, với điều kiện các xét nghiệm được thực hiện đúng thời điểm, đúng chỉ định. Nhiều khi mình cũng hoảng sợ trước một loạt các xét nghiệm không biết để làm gì khi bệnh nhân mang đến tư vấn.

2. CÁC XÉT NGHIỆM QUAN TRỌNG THEO GIAI ĐOẠN CỦA THAI KỲ

- Mới có thai: công thức máu, nhóm máu, HIV, viêm gan siêu vi B (+/- siêu vi C), Rubella. 
- Zika virus: qua mùa Zika virus rồi nên không ai để ý, hiện tại không khuyến cáo xét nghiệm thường quy nếu không có yếu tố nguy cơ nhiễm (ví dụ bạn hay chồng có du lịch đến vùng lưu hành dịch).
- Xét nghiệm Double test khi thai khoảng 11-12 tuần. Đây là xét nghiệm quan trọng trong tầm soát một số bất thường nhiễm sắc thể, ví dụ T21 trong hội chứng Down. Bạn cố gắng đừng bỏ qua xét nghiệm này (cộng thêm siêu âm đo độ mờ da gáy)
- Một số xét nghiệm chẩn đoán đặc biệt: sinh thiết gai nhau, NIPT, chọc ối. Những loại XN này ở nước ta không thực hiện cho tất cả bệnh nhân mà khi cần chỉ định bác sĩ sẽ giải thích và tư vấn. 
- Tầm soát đái tháo đường thai kỳ: thực hiện khi thai từ 24-28 tuần. Ăn nhiều, ăn ngọt, uống nước mía, ăn cho hai người, ăn bồi dưỡng…đó, toàn là điều kiện thuận lợi. Những bà mẹ bị thừa cân, cao huyết áp hoặc có tiền sử thai chết lưu nên thực hiện xét nghiệm tầm soát sớm hơn, khi thai khoảng 14-15 tuần.
- Xét nghiệm GBS: là một loại vi khuẩn trong âm đạo và trực tràng, hầu hết không gây triệu chứng. Mẹ nhiễm GBS có thể lây cho thai nhi trong quá trình chuyển dạ,  gây hại cho bé. Xét nghiệm này thực hiện tuần 35-37 của thai kỳ, bác sĩ lấy dịch từ âm đạo và hậu môn đem xét nghiệm.
Mình đã tách riêng phần siêu âm thai thành bài riêng ngay sau bài này.
Mình khuyên bạn nên thực hiện đầy đủ các xét nghiệm khi bác sĩ chỉ định. Xét nghiệm không phải kiếm lý do để bỏ thai (bỏ hay không do bạn quyết định). Xét nghiệm để biết con mình và bản thân mình có vấn đề sức khoẻ gì để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc chuyển dạ, cho cuộc sống sau này. Bạn đừng để bất ngờ ập đến, vì thật ra, nhiều khi làm đầy đủ hết vẫn có những bất ngờ không mong muốn. Có những bệnh lý cần xử trí ngay sau khi bé vừa ra khỏi bụng mẹ để bảo toàn sự sống, với sự giúp đỡ của các bác sĩ Nhi sơ sinh, bác sĩ chuyên khoa. Điều này khó mà thực hiện tốt nếu không có sự chuẩn bị và phối hợp giữa các bác sĩ. Bạn thấy đó, khám thai – xét nghiệm – theo dõi, tất cả chỉ vì mục tiêu “bé chào đời khoẻ mạnh và bình an”.

Bạn Có Thể Quan Tâm

TRẦM CẢM, LO ÂU VÀ STRESS KHI CÓ THAI

Ngày 20/08/2019

Mấy chuyện này không hiếm ở những bà mẹ có thai lần đầu hay có thai sau điều trị hiếm muộn. Nhẹ nhẹ thì vui buồn thất thường, mới cười đó không dưng lòng buồn rười rượi; khóc cho nỗi buồn của cô gái thất tình trên…tivi

KHI VỢ CHUYỂN DẠ - SANH THÌ TÔI CÓ THỂ LÀM GÌ?

Ngày 20/08/2019

Khi mới bắt đầu chuyển dạ: đi bộ quãng ngắn (nếu bác sĩ cho phép), nói chuyện, giúp cô ấy thư giãn. Khi cô ấy đau nhiều: động viên, khuyến khích cô ấy; giữa những cơn gò, nếu bạn được phép bên cạnh có thể xoa bóp nhẹ nhàng giúp cô ấy đễ chịu.