Em bé sinh ra từ TTTON có tăng nguy cơ dị tật hơn thai tự nhiên không?
Một phụ nữ mang thai tự nhiên cũng có nguy cơ sinh con dị tật là 2-3%. Ở phụ nữ TTTON, tỷ lệ này tăng nhẹ, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do có con muộn. Bản thân các kỹ thuật TTTON có gây nên dị tật thai hay không là vấn đề chưa có lời giải đáp, và các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu, đánh giá. Hơn nữa, hiện nay có nhiều cách lựa chọn phôi, giúp lựa chọn những phôi không mang gen bất thường của cha mẹ như trong bệnh thiếu máu tán huyết.
Tôi có thể lựa chọn giới tính cho con khi bơm tinh trùng hay TTTON không?
Ở Việt nam, chọn lựa giới tính là bất hợp pháp nên không thực hiện được. Thật ra, chọn lựa giới tính có ý nghĩa sâu sắc khác. Ví dụ có những bệnh lý di truyền mà gen bệnh nằm trên nhiễm sắc thể Y (tạo ra con trai), người ta sẽ xét nghiệm để chọn phôi khoẻ, không bị bệnh để chuyển vào tử cung người mẹ giúp em bé sinh ra khoẻ mạnh. Còn chuyện nối dõi tông đường Y học chưa nghiên cứu, bởi lẽ Y học chưa định nghĩa được vấn đề sức khoẻ liên quan gì đến “tông đường” trong suy nghĩ của nhiều người.
Thuốc sử dụng trong hỗ trợ sinh sản có gây ung thư không?
Cho đến nay chưa có bằng chứng các thuốc trong điều trị vô sinh gây ung thư.
Chọc hút trứng làm TTTON tôi có hết trứng không?
Không, mỗi lần chọc hút trung bình chừng 10 trứng, trong khi bạn có trăm ngàn trứng. Vậy, không thể hết được nếu dự trữ trứng bình thường.
Tương tự, khi bạn cho/tặng trứng, cũng đừng sợ người ta lấy hết trứng của mình.
Nếu có nhiều phôi, sinh đủ con, tôi có thể làm gì với số phôi còn lại?
- Hiến/tặng phôi cho cặp vợ chồng khác (có điều kiện cụ thể)
- Hiến/ tặng phôi cho trung tâm TTTON đề nghiên cứu khoa học. Đây là điều tốt, vì giúp kỹ thuật TTTON phát triển hơn, mang đến cơ hội làm cha mẹ cho nhiều người hơn.
- Huỷ bỏ phôi.